Giá trị di sản Hồ Chí Minh thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước

Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước cứu dân kéo dài 30 năm, đi qua nhiều châu lục trên thế giới, qua rất nhiều nước và vùng lãnh thổ, làm nhiều nghề để sống và tranh đấu cho quyền độc lập tự do của Tổ quốc và nhân dân mình, Hồ Chí Minh đã tích lũy vốn sống và kinh nghiệm vô cùng phong phú, đã trải nghiệm thực tiễn sâu sắc trong rất nhiều hoàn cảnh, vượt qua bao gian nan thử thách, nhờ đó Người có một bản lĩnh vững vàng, có năng lực sáng tạo vượt trội và có niềm tin mãnh liệt ở tương lai.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" - đó là nguyên tắc sống và phương châm hành động của Người để thực hành lý tưởng, mục tiêu cách mạng.

Trên bình diện tư tưởng lý luận, Người theo đuổi chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng không giáo điều, biệt phái mà chú trọng sự sáng tạo, không chỉ vận dụng những nguyên lý phổ biến mà còn phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất phát từ thực tiễn phong phú, từ thực tiễn trong nước đến thực tiễn thế giới và thời đại.

Người ý thức rõ những chân giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin đồng thời còn thấy rõ những tinh hoa văn hóa của thế giới nhân loại, nỗ lực thâu thái nó, tiếp thu có chọn lọc, trên tinh thần phê phán để kế thừa và phát triển, làm phong phú và sống động chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn cách mạng.

Nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo Hồ Chí Minh luôn đứng vững trên mảnh đất thực tiễn, lấy đó làm vật kiểm chứng lý luận đồng thời dùng lý luận như một phương pháp để tổng kết thực tiễn một cách có lý luận, từ đó phát hiện lý luận mới. Tiếp biến văn hóa là phương thức của phát triển và Hồ Chí Minh đã thông qua tiếp biến văn hóa để hình thành chủ kiến, chủ thuyết phát triển của chính mình trên tư cách nhà tư tưởng.

Hệ giá trị mà Người lựa chọn và theo đuổi nhất quán suốt cuộc đời mình là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn nguồn chủ đạo nhưng Người còn thấy nhiều ngọn nguồn khác từ các dòng tư tưởng phương Đông và phương Tây, có thể và cần phải nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng để thực hiện mục đích của mình - Giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, vừa phù hợp với những đòi hỏi khách quan của dân tộc mình vừa thuận với xu hướng phát triển của thế giới, với trào lưu của thời đại.

Thấy rõ những khác biệt, thấy rõ cả những điểm tương đồng, Người nhận ra tính thống nhất. Thống nhất từ những khác biệt nên thống nhất bao hàm sự phong phú, đa dạng từ những khác biệt. Đó là đặc tính của văn hóa. Bởi thế cần phải tiếp biến văn hóa để phát triển. Giữa văn hóa và phát triển có một tương quan biện chứng cần nhận thức và vận dụng. Đây là tư duy và tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển được thể hiện rất rõ, sâu sắc và tinh tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa liên bang XHCN Nam Tư

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa liên bang XHCN Nam Tư

Người đã giải quyết thành công các mối quan hệ trong lý luận và phương pháp phát triển: quan hệ giữa mục đích và phương tiện, giữa lý luận và thực tiễn, giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và thế giới nhân loại, giữa văn hóa và phát triển... Với tư duy biện chứng, Người đã "làm mới" nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, thấy ở chủ nghĩa ấy không chỉ khoa học và cách mạng mà còn là đạo đức và văn hóa. Cũng như vậy, quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội không chỉ thể hiện quan điểm, lập trường giai cấp (giai cấp công nhân) mà còn thấm nhuần tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc đồng thời vẫn nhất quán với yêu cầu của thời đại.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo Hồ Chí Minh phải đúng quy luật (khoa học) - thuận lòng dân (nhân văn) và hợp với thời đại (cách mạng). Đó là một chủ nghĩa xã hội Việt Nam thông qua đổi mới, hội nhập để phát triển và hiện đại hóa. Đổi mới của Việt Nam hơn 30 năm qua đã chứng thực tính đúng đắn và sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị, sức sống của di sản Hồ Chí Minh trong thực tiễn.

Xét trên bình diện thực tiễn, Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà lý luận đặc biệt chú trọng thực hành, có thể nói, một trong những điểm đặc sắc của tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người là "nhà biện chứng thực hành", chú trọng thực tiễn, thiết thực, hiệu quả.

Coi trọng lý luận mà không giáo điều, coi trọng thực tiễn, thực tế, kinh nghiệm mà không rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, coi trọng dân tộc nhưng không rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, chú trọng quốc tế nhưng vẫn đứng vững trên mảnh đất hiện thực của dân tộc, chủ trương hội nhập nhưng vẫn không xa rời truyền thống, bản sắc dân tộc. Người coi trọng truyền thống nhưng không trì trệ, bảo thủ mà luôn năng động, linh hoạt, nhạy cảm trước những cái mới của thời đại, của hiện đại.

Hồ Chí Minh, kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo lý luận với thực tiễn để thực hiện sự hài hòa trong phát triển. Năng lực đó thực sự là một năng lực sáng tạo văn hóa, trở thành bản lĩnh văn hóa của Hồ Chí Minh. Nó cần thiết và quan trọng để thực hiện chủ kiến, chủ thuyết phát triển của Người.

Hồ Chí Minh hình thành tư tưởng đổi mới, hội nhập để phát triển từ rất sớm và theo đuổi, thực hành tư tưởng đó một cách nhất quán. Khát vọng tự do, hoài bão phát triển đã thôi thúc Người đi tìm con đường cách mạng để thực hành lý tưởng giải phóng.

Với Hồ Chí Minh, tiến trình giải phóng gắn liền giải phóng dân tộc (trên lập trường giai cấp công nhân) với giải phóng xã hội để giải phóng con người.

Người đã vượt lên ý thức hệ phong kiến đã lỗi thời, quá thời, khắc phục những hạn chế của ý thức hệ tư sản, tìm thấy hệ tư tưởng mới tiên tiến, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội (khoa học - cách mạng - nhân văn) làm cơ sở tư tưởng, nền tảng tư tưởng để xây dựng lý luận, vạch ra đường lối, con đường phát triển mới của Việt Nam trong những thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX.

Chính thể cộng hòa dân chủ Việt Nam ra đời, Người đứng đầu Chính phủ lâm thời, sau đó là Chủ tịch Chính phủ, Chủ tịch nước chính thức, có Quốc hội, có Hiến pháp (1946)... một trong những thông điệp sớm nhất được phát đi là "Việt Nam mong muốn được là bạn với tất cả các nước dân chủ", "Việt Nam quyết không thù oán với một ai", "Việt Nam sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước bạn bè công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam". Chủ trương đưa các thanh niên ưu tú đi học tập kỹ thuật - công nghệ phương Tây để phát triển.

Trong hai mươi bốn năm liền làm Chủ tịch nước, Người đã nỗ lực hết mình trong kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước, hợp tác song phương, đa phương, hội nhập quốc tế vì phát triển. Thêm bạn bè, đồng minh, thành tâm đoàn kết, thi hành đường lối, chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Ứng xử kiên quyết, sáng suốt, mềm dẻo, linh hoạt "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Ngay với Pháp và Mỹ, Người phân biệt rất rõ nước Pháp, nước Mỹ văn minh, nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ là bạn bè, anh em với kẻ thù thực dân Pháp, đế quốc Mỹ phải đánh đuổi ("Đánh thắng hai đế quốc to", Người nói rõ trong Di chúc).

Phấn đấu vì một nền hòa bình lâu dài, thực chất, thiết tha với hòa bình, không muốn chiến tranh, càng ít đổ máu càng tốt... (mười bốn lần trong đời, Hồ Chí Minh đã gửi thư, điện cho các đời Tổng thống Mỹ, kiên trì theo đuổi đường lối hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám đến ngày làm việc cuối cùng của Người ngày 25-8-1969).

Kiên định giá trị và nguyên tắc: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết". "Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng". Độc lập tự chủ, dựa vào sức mạnh của chính mình và ra sức tìm kiếm thêm sức mạnh, nguồn lực bên ngoài để phát triển. Văn hóa ở trong kinh tế và chính trị. Văn hóa soi đường đi cho quốc dân...

Tư tưởng, di sản Hồ Chí Minh đang tiếp tục soi đường cho Việt Nam trong đổi mới và hội nhập hiện nay, thực hiện tâm nguyện và hoài bão của Người "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Tư tưởng, di sản của Người là Quốc Bảo và Pháp Bảo của Việt Nam để đi đến thành công trong đổi mới, hội nhập, phát triển.

GS.TS Hoàng Chí Bảo

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/gia-tri-di-san-ho-chi-minh-thuc-day-quan-he-viet-nam-voi-cac-nuoc_92865.html