Giá trị giao dịch trái cây Việt Nam chỉ đạt khoảng 3 tỉ USD mỗi năm
Thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam rộng mở, song được góp mặt nhiều trên toàn cầu lại là cả một chặng đường dài.
Loay hoay tìm chỗ đứng
Với nhiều thuận lợi về khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều loại trái cây đa dạng, có chất lượng tốt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mang vị thơm thảo ngọt ngào của trái cây Việt tới hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vùng cây trái nào cũng xanh tươi trĩu quả, mùa nào thức ấy, vùng nào quả nấy.
Song với khoảng 3 tỉ USD rau quả xuất khẩu mỗi năm thì cũng chỉ như "gánh hàng rong" len lỏi giữa đại siêu thị trái cây toàn cầu giá trị giao dịch mỗi năm khoảng 240 tỉ USD. Do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao nên giá thành trái cây của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn. Quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất kỹ càng và cẩn thận.
Vải thiều Việt Nam được các nước đón nhận nồng nhiệt. (Ảnh minh họa)
Cùng trong khu vực Á Đông, nhiều loại rau quả Việt Nam có thì các nước cũng sẵn. Cụ thể, Trung Quốc đã trồng được thanh long ruột đỏ với diện tích xấp xỉ như Việt Nam. Điều đó, càng làm tăng thêm mức độ cạnh trạnh hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với thị trường Mỹ, EU, Anh… dù ưu đãi thuế nhưng không châm chước về tiêu chuẩn. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với các cường quốc hoa quả đến từ châu Mỹ La tinh - vốn đã vững chân tại các địa bàn nói trên. Các quốc gia này đã thành thạo trồng trọt, bảo quản sau thu hoạch và những chế phẩm tinh chất từ hoa quả, sành sỏi trên thương trường.
Bên cạnh đó, hoa quả Việt Nam phải chịu sức ép từ hoa quả nhập khẩu, 9 tháng đã nhập về 1 tỉ USD. Đành rằng hội nhập toàn cầu chẳng thể cản ngăn dòng hoa quả ngoại vào, nhưng hiện tượng trên nhắc nhủ rằng không khéo rau quả Việt sẽ đuối sức trên chợ nhà, nói chi đến gia tăng xuất khẩu...
Dư địa thị trường lớn
Tuy mức cạnh tranh cao, nhưng Việt Nam vẫn tự hào là một trong những nước có dự địa thị trường lớn. Hiện cả nước có 1,05 triệu ha cây ăn quả, mỗi năm cho 12,6 triệu tấn quả. Các vùng có thế mạnh trồng trái cây xuất khẩu chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam. Ngoài miệt vườn Nam Bộ, đã có thêm nhiều vườn rau quả, nhất là ở miền núi và trung du phía Bắc.
Cả nước có 1.749 vùng trồng trái cây được cấp mã số xuất khẩu và 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu. Các loại trái cây xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hiện nay là dứa đóng hộp, bưởi, xoài, thanh long…
Do vậy, rất đáng trân trọng mỗi khi xuất khẩu được một loại trái cây vào thị trường cao cấp. Điển hình là lô xoài đầu tiên của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trở thành loại quả tươi thứ 6 chinh phục thị trường này, sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Để đạt được thỏa thuận này phải mất hơn 10 năm của cơ quan nông nghiệp nước nhà đàm thảo với đối tác Hoa Kỳ.
Xoài Việt Nam ngày càng rộng đường xuất khẩu, nhất là thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh minh họa)
Trước đó, vào chính vụ, gần chục tấn vải thiều cũng đã sang đến Đức, Pháp, Hà Lan bằng đường hàng không. Trong khi, tỉnh Sơn La cũng xuất khẩu lô nhãn đầu tiên sang các nước châu Âu ngay đầu vụ nhãn năm nay… Lô nhãn lồng này đã được phân phối ngay sau khi thông quan cho một số cửa hàng thực phẩm châu Á tại các nước Hà Lan, Bỉ, Pháp và Anh.
Ngoài ra, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại với châu Âu, Anh và Bắc Ailen. Theo đó, xuất khẩu rau quả nói chung, trái cây nói riêng của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất do 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, kim ngạch còn khiêm tốn nhưng với tốc độ tăng vừa qua hy vọng sẽ sớm bứt phá bởi Thái Lan, Malaysia, Brazil… là những vựa trái cây chưa có hiệp định tương tự với các "khách sộp" nói trên.
Trong tình thế mới, không có sự lựa chọn nào khác, cần xây dựng vùng trồng cây trái đại điền, sản xuất theo đặt hàng của thị trường. Quản lý vùng trồng bằng số hóa, cấp mã vùng và có chế tài đối với sản phẩm tự phát và tăng diện tích ngoài quy hoạch. Tích cực đổi mới giống. Đầu tư trồng trọt theo các tiêu chuẩn an toàn. Tăng cường năng lực, kỹ thuật chế biến, không chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm. Nâng cao hiệu quả điều hành xuất khẩu, xúc tiến thương mại, trong trạng thái bình thường mới, xây dựng thương hiệu trước mắt là các trái cây hàng đầu...