Giá trị khai thác thủy hải sản của Hà Tĩnh ước đạt hơn 1.900 tỷ đồng
Ngư trường ổn định, ngư dân tích cực bám biển vươn khơi nên từ đầu năm đến nay sản lượng khai thác hải sản của Hà Tĩnh ước đạt 39.500 tấn, cho giá trị sản xuất khoảng 1.902 tỷ đồng.
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, anh Nguyễn Văn Trường ở thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) cùng 7 bạn nghề sẽ đều đặn đi biển 2 - 3 chuyến/tuần, vùng đánh bắt cách bờ khoảng 25 hải lý, mỗi chuyến 2 ngày đêm. Trong chuyến biển gặp may mắn, con tàu 285 CV của họ có thể đánh bắt được 9 tạ đến 1 tấn hải sản các loại, bán được khoảng 18 - 20 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, mỗi lao động nhận được mức thù lao 1,4 triệu đồng/chuyến, chủ tàu được hưởng gấp đôi. Trường hợp thời tiết bất lợi thì sản lượng thấp hơn và mức thu nhập của mỗi lao động khoảng 1 triệu đồng/chuyến.
Anh Nguyễn Văn Trường (chủ tàu HT 902378 TS) chia sẻ: “Năm nay “trời yên biển lặng”, ngư trường ổn định, giá hải sản tương đối cao nên ngư dân chúng tôi phấn khởi ra khơi. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi tháng chúng tôi đi biển khoảng 13 - 14 chuyến, mùa mưa bão thì khoảng 10 chuyến. Nguồn thu nhập từ đi biển (khoảng 14 – 18 triệu đồng/người/tháng) đủ để trang trải cuộc sống thường ngày cho gia đình”.
Cũng như ngư dân Nguyễn Văn Trường, năm nay, hàng nghìn lao động trên 305 tàu thuyền khai thác hải sản ở Lộc Hà đã khắc phục khó khăn, duy trì nhịp điệu sản xuất ổn định. Nhờ các yếu tố liên quan đến sản xuất tương đối thuận lợi, các cấp, ngành tăng cường chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ và bà con ngư dân hăng say lao động nên sản lượng khai thác hải sản đạt 2.864 tấn, cho giá trị sản xuất khoảng 190 tỷ đồng. Trong đó, các nghề cho sản lượng lớn, giá trị cao là câu khơi, xăm mười, te, đáy, dạ...
Hòa trong không khí lao động, sản xuất chung, năm nay ngư dân Nghi Xuân cũng phấn khởi vì đánh bắt được nhiều “lộc biển”. Chị Ngô Thị Bích Thủy – công chức Phòng NN&PTNT cho biết: “Năm 2023, đội tàu đánh bắt hải sản (534 chiếc) trên địa bàn huyện hoạt động khá tích cực và hiệu quả, mang về sản lượng khai thác ước đạt 5.894 tấn, cho giá trị kinh tế khoảng 390 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngoài động viên, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân bám biển vươn khơi thì công tác quản lý Nhà nước về khai thác đã được tăng cường, hoạt động tuần tra, kiểm soát được các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên...”.
Các địa phương ven biển khác như: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy hải sản. Cùng đó, các cấp, ngành đã tập trung triển khai Luật Thủy sản 2017, các nghị định, thông tư, hướng dẫn có liên quan và các chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU. Bà con ngư dân cũng tranh thủ thời tiết, ngư trường, thị trường tiêu thụ và các yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhất là các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá chim, cá đuối, mực, tôm he, cua, ghẹ...
Đặc biệt, năm nay, cơ cấu nghề khai thác thủy sản tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng phát triển các loại nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại đến ngư trường, có thể vươn khơi dài ngày để khai thác các loài có giá trị. Nổi bật như: nghề bóng ghẹ trên đội tàu có chiều dài từ 12 - 20m tại Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) đạt năng suất từ 20 - 25 tấn/tàu/năm, doanh thu từ 1,8 - 2 tỷ đồng/tàu/năm; nghề bóng mực kết hợp câu khơi trên đội tàu có chiều dài từ 15m trở lên tại xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) đạt năng suất trên 13 tấn sản phẩm/năm, đạt doanh thu từ 3 - 5 tỷ đồng/năm/tàu...
Ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT) thông tin: Năm 2023, chúng tôi đã tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, quản lý khai thác, đăng ký, đăng kiểm, phòng chống khai thác IUU và thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách phát triển khai thác thủy sản. Ngành cũng phối hợp với chính quyền các cấp bám sát cơ sở, thường xuyên theo dõi diễn biến ngư trường, tình hình thời tiết, khí hậu để chỉ đạo, hướng dẫn bà con sản xuất hiệu quả, đảm bảo an toàn... Nhờ vậy, đội tàu 2.735 chiếc toàn tỉnh đã đánh bắt được 39.500 tấn (khai thác biển 34.850 tấn, còn lại khai thác nội địa), đạt 106,2% kế hoạch năm, tăng 1,52% so với năm trước, cho giá trị sản xuất khoảng 1.902 tỷ đồng.