Giá trị nhân văn từ những khóa lễ cầu siêu mùa Vu lan ở Tây Thiên

Mùa lễ Vu lan 2019 vô cùng đặc biệt, khi hai chỉ số ngày âm và ngày dương trên lốc lịch đồng hiện một chữ số đếm tự nhiên ngày rằm tháng Bảy (lịch dương 15/8).

Bất chấp cái nắng nóng ngoài trời chạm ngưỡng 40’C, đã có khoảng 13.000 người hành hương về Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) tham dự hai đàn pháp cầu siêu lớn: một cho hương linh thai nhi xấu số; và đại lễ phả độ gia tiên cửu huyền thất tổ, diễn ra nối tiếp vào hai ngày chủ nhật tuần trước rằm tháng Bảy.

 Lễ dâng hoa cúng Phật của chư Tăng, Ni Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên

Lễ dâng hoa cúng Phật của chư Tăng, Ni Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên

Đối lập với cái gọi là “tháng cô hồn” đen đủi, trong một quan niệm khác, Thầy Tỳ kheo ni Thích Thanh Tịnh chủ trì đàn lễ luận giảng: “Đây là tháng cát tường nhất trong năm khi “mười phương ba đời chư Phật đồng hoan hỷ”; Rằm tháng Bảy cũng là Tết của chư Tăng Ni, các Thầy được thêm một tuổi đạo trên con đường tu hành Bồ Đề tâm…”.

 Tăng đoàn Tây Thiên cử hành khóa lễ cầu siêu

Tăng đoàn Tây Thiên cử hành khóa lễ cầu siêu

Còn với đông đảo Phật tử và người có tín tâm, mùa Vu lan tự tứ là dịp lễ quan trọng trong năm để mỗi người thực hành lễ hiếu hạnh tri ân công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tưởng nhớ cầu nguyện cho hương linh ông bà tiên tổ đã khuất sớm được siêu thoát, thông qua các nghi lễ gọi chung là “phả độ gia tiên”.

 Đàn lễ cầu siêu cho người mất theo nghi thức Phật giáo Kim Cương thừa

Đàn lễ cầu siêu cho người mất theo nghi thức Phật giáo Kim Cương thừa

Khóa lễ cầu siêu phả độ gia tiên tại Đại Bảo Tháp đã diễn ra trang nghiêm từ sáng đến tối muộn qua các nghi lễ khác nhau (tụng kinh Mục Liên sám Phát, khai thị của quý Thầy về ý nghĩa cầu siêu, khóa lễ triệu thỉnh Phật A Di Đà, cúng dàng đèn hoa đăng, phóng sinh, cầu siêu quán đỉnh Changwa) với trọn vẹn sự tập trung và tâm thành của chư tăng, ni và đại chúng phật tử tham dự.

Theo vũ trụ học Phật giáo quan niệm, người chết thường có tần sóng năng lượng thấp, đặc biệt là các vong linh mang nhiều tội nặng bị ô trược, uất ức rất khó siêu thoát. Chết là một giai đoạn sống mới chỉ bằng tâm thức, người đã mất có chỉ số tần sóng thấp, đối với các vong linh không siêu thoát lại càng thấp hơn.

 Hàng ngàn người dự lễ cầu siêu ở ĐBT Tây Thiên

Hàng ngàn người dự lễ cầu siêu ở ĐBT Tây Thiên

“Họ cần phải nương tựa vào một đàn lễ cầu siêu lớn với sự hợp tâm hợp lực cầu nguyện của hàng vạn người để giúp tạo ra tần sóng mạnh tích cực đẩy tần sóng của chư hương linh lên, mở đường rẽ lối cho họ hòa nhập với tần sóng chư Phật” - Thầy Thanh Tịnh chia sẻ. Đây chính là giá trị nhân văn lớn lao của những khóa lễ cầu siêu trong mùa Vu lan.

Mỗi người chúng ta lúc còn sống thường mải mê ngụp lặn trong hỉ nộ ái ố cùng bao toan tính mưu cầu, đều không hiểu biết rằng lúc lìa đời, thần thức dễ bị kẹt dưới tầng sóng thấp. “Lời dạy của Sư thầy giản dị mà sâu sắc, tôi lặng nghe thấy lòng bỗng sáng như tấm gương bụi bặm chứa những tham sân si lâu ngày được gột rửa”- chị Liên (Quảng Ninh) trải lòng.

 Điệp ghi tên người mất trong lễ Phả độ gia tiên

Điệp ghi tên người mất trong lễ Phả độ gia tiên

Lễ Vu lan có nguồn gốc từ thời Đức Phật. Chuyện Bồ tát Mục Kiền Liên bậc tu hành xuất chúng đã thỉnh cầu Đức Phật và nương năng lực tu tập thanh tịnh của Tăng đoàn sau mùa an cư kết hạ (3 tháng hè) mà cầu nguyện cho thân mẫu Ngài được siêu thoát ra khỏi ngục quỷ (vì lúc còn sống bà mắc nhiều tội nặng). Và ngày mở của ngục cứu bà Thanh Đề đó là ngày rằm tháng Bảy.

Noi gương người con đại hiếu Mục Kiền Liên, mỗi người về dự lễ cầu siêu ở Đại bảo tháp Tây Thiên đều giữ lòng mình thật lặng trong, chuyên tâm đọc tụng Kinh sách, cúng Tshok, cúng đèn, phóng sinh để cầu nguyện, hồi hướng công đức cho ông bà tiên tổ; hương linh thai nhi yểu mệnh sớm được siêu sinh về cảnh giới an lành...

Ảnh: Trần Thành

Minh Khang

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/giai-tri/van-hoa/gia-tri-nhan-van-tu-nhung-khoa-le-cau-sieu-mua-vu-lan-o-tay-thien-309382.html