Giá trị thị trường ngành F&B năm 2024 dự kiến đạt hơn 655.000 tỉ đồng
Năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng gần 11,5%, đạt hơn 590.000 tỉ đồng. Dự báo năm 2024, con số này sẽ tăng lên 655.000 tỉ đồng.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thu đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng thêm đà tăng trưởng.
Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng gần 11% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655.000 tỉ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với gần 94% thị phần. Trong đó, số lượng chuỗi cửa hàng F&B tại Việt Nam được dự báo chiếm hơn 6% thị phần vào năm 2027.
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực Việt Nam vừa được iPOS.vn công bố dự báo, năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ, sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí như có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.
Ngoài ra, nhiều yếu tố cũng góp phần cho sự tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới như sự tăng trưởng của ngành du lịch; quy mô thị trường trà, cà phê, đồ uống có cồn gia tăng; tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, thế hệ Z – tương lai của ngành F&B đang dần chiếm lĩnh thị trường…
Cũng theo báo cáo này, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, trong gần 3.000 đơn vị tham gia nghiên cứu, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên và có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Hơn thế nữa, 51,7% các cửa hàng ăn uống trong số này có dự định mở rộng quy mô.
Dựa trên kết quả nghiên cứu gần 4.000 thực khách, báo cáo chỉ ra chi tiêu của người dân có sự tăng trưởng nhẹ. Đối với tiêu dùng ăn ngoài, mức chi cho tiêu dùng của người Việt gia tăng từ 5-10%.
Trong đó, có gần 15% thực khách sẵn sàng chi tiêu bữa tối hàng ngày với mức trên 100.000 đồng, gấp 3,5 lần so với năm trước đó. Đồng thời, mức tiêu dùng cho việc đi cà phê của người Việt cũng tăng nhẹ, với 59,5% thực khách sẵn sàng chi tiêu trên 41.000 đồng cho hoạt động này.
Tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng gần 11,5%, đạt hơn 590.000 tỉ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỉ đồng, tăng gần 11% so với năm trước đó.