Giá trị trường tồn của những khuôn hình lịch sử
Bộ phim tài liệu 'Phim đỏ' khắc họa hành trình của những phóng viên chiến trường, vì tình yêu quê hương và sứ mệnh lịch sử, đã dấn thân vào nơi lửa đạn, gửi gắm tuổi thanh xuân cho công cuộc 'chép sử' bằng hình ảnh.
Bộ phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện, ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945/19-8-2020) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945/2-9-2020), đã được công chiếu trên kênh VTV1 Đài THVN.
Từ hoạt cảnh múa trở thành một tác phẩm điện ảnh
Sự hy sinh của các phóng viên chiến trường để có những thước phim phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh gửi về hậu phương là một trong những đề tài mà Ban giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn trăn trở để thực hiện.
Bởi thế mà sau một lần được xem hoạt cảnh múa “Phim đỏ”, do các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội biểu diễn tại Liên hoan văn nghệ chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (22-12-1944 / 22-12-2019), Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đã nảy ra ý định sẽ thực hiện một bộ phim tài liệu về đề tài này và đan xen vào phim là hình ảnh của hoạt cảnh múa.
Nói về ý tưởng hình thành tác phẩm điện ảnh “Phim đỏ”, Đại úy Nguyễn Quang Quyết, đạo diễn phim cho biết: Từ việc hình thành tên phim đã định hướng và tạo điều kiện cho ê kíp thực hiện cách khai thác giá trị của những thước phim. Đây là những thước phim không chỉ đơn thuần được trả bằng xương máu của những phóng viên chiến trường mà còn có hàm ý sâu xa, đó chính là giá trị trường tồn của những khuôn hình dành cho các thế hệ mai sau và đó giống như “báu vật” của mỗi quốc gia mà thế hệ ngày nay có trách nhiệm phải lưu giữ.
Mở đầu những cảnh quay của “Phim đỏ” là hình ảnh những bàn tay nắm bàn tay, các anh đi vào chiến trường mà không hẹn ngày gặp lại, chỉ nhắn nhủ nhau, dù còn sống hay gửi thân lại chiến trường, từng thước phim đã quay phải được chuyển về hậu phương. Cứ thế, máy quay trên vai, từng hộp phim cất sâu trong ba lô được các anh nâng niu, cẩn trọng, giữ gìn hơn cả tính mạng của bản thân.
Các nhà quay phim đã vượt dốc cao, hào sâu, băng về phía bom rơi đạn nổ, chiến dịch còn ác liệt, máu đồng đội còn rơi, đồng bào còn nhiều hy sinh mất mát, ở đâu diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt là anh có mặt kịp thời, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử.
Nén đau thương để ghi lại khoảnh khắc “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”
Kể lại những khoảnh khắc nén đau thương để quay những hình ảnh khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân năm nay đã 94 tuổi Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ trong “Phim đỏ”: Khi Bác trút hơi thở cuối cùng, mọi người vây quanh Người đều khóc, bản thân tôi cũng vậy, nghe tin Bác mất, tôi òa lên khóc nhưng vẫn cầm máy quay. Mặc dù nước mắt tôi lúc đó cứ chảy ra, mồm mếu máo nhưng tôi cố nén nỗi đau, giơ máy quay lên và ghi được vào ống kính những hình ảnh cuối đời của Bác. 20 năm sau tôi mới được xem lại những thước phim này và bất ngờ khi những thước phim vẫn rất rõ nét.
Chia sẻ về quá trình thực hiện cảnh quay nhân vật Nguyễn Thanh Xuân, Đại úy đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cho biết: May mắn cho đoàn làm phim là một trong hai người quay phim những hình ảnh cuối cùng của Bác Hồ hiện vẫn còn sống. Trong quá trình thực hiện, lúc đầu trong phim không xác định quay nhân vật này nhưng trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhận ra là tất cả những thời khắc lịch sử vô cùng quan trọng, đều có những phóng viên ghi lại những khoảnh khắc đó thì đây là một trong những điểm nhấn chúng tôi mong muốn có trong “Phim đỏ”.
“Có một điều khiến tôi vô cùng xúc động là khi các quay phim làm xong công việc của mình thì họ không được xem lại bởi là phim nhựa nên không có các kỹ thuật tiên tiến như bây giờ để có thể in phim ngay ra được mà phải cất đi và 20 năm sau họ mới được xem lại những thước phim của mình. Khi xem lại, nghệ sĩ, chiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân cảm thấy đây là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao khi chứng kiến tác phẩm của mình, những hình ảnh vô cùng quý giá được lưu giữ mãi mãi cho thế hệ sau”, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cho biết.
Những thước phim mang giá trị lịch sử
Chiến tranh làm mọi ước mơ tạm gác lại nhưng không bôi xóa nổi nụ cười, niềm tin và khát vọng gửi gắm trong từng thước phim của các phóng viên chiến trường.
Các anh đã sống, tận hiến đến từng phút giây, có người trở về, trên mình đầy vết thương, có người gửi mãi tuổi đôi mươi ở chiến trường. Những thước phim tư liệu đã thay các anh kể câu chuyện bằng hình, câu chuyện về những chàng trai, cô gái vì độc lập dân tộc mà dâng hiến cả tuổi xuân. Các anh đã ôm máy quay xông lên không chỉ bằng tình yêu nghề nghiệp mà còn là sự say mê trong mỗi khuôn hình để từng khoảnh khắc chiến tranh không bị bỏ lỡ.
Là nhân vật xuất hiện trong “Phim đỏ”, NSƯT Hà Tài, nguyên đạo diễn, quay phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân khẳng định: Quay phim ở chiến trường rất gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Mỗi quay phim khi vào chiến trường chỉ được phát có 1.200m phim. Vì thế, khi quay hết, tổ quay phim ra hậu cứ và đợi khi nào có chỉ thị mới thì tiếp tục đi vào chiến trường. Vất vả là thế nhưng các phóng viên chiến trường vẫn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
NSND Lê Hồng Chương, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định: Tư liệu là cái quý giá được trả bằng máu, muôn đời có tác dụng vì đó là một giai đoạn của lịch sử tồn tại mãi mãi.
Từng là một phóng viên chiến trường, Đại tá, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã từng có mặt ở những chiến trường ác liệt để ghi vào ống kính những thước phim mang giá trị lịch sử. Ông chia sẻ: Những phóng viên quay phim thời chiến thì không chỉ đơn vị họ công tác, hãng phim họ từng làm việc phải ghi nhớ mà ngành điện ảnh phải khắc ghi bởi quá trình xây dựng và phát triển nền điện ảnh có công sức, xương máu của họ ngay từ những ngày đầu thành lập. Họ đã góp sức, tạo dựng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Là một đạo diễn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề nhưng khi được giao nhiệm vụ thực hiện tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ, Đại úy, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, cho biết: Đây là lần thứ 5 tôi được giao thực hiện một bộ phim tài liệu và bộ phim này đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc cũng như khó khăn trong quá trình làm phim. Đó không chỉ là khó khăn về khoảng cách địa lý khi gặp gỡ, phỏng vấn các nhân vật trong phim mà là khó khăn giữa thế hệ chúng tôi với các thế hệ phóng viên chiến trường năm xưa. Để tìm hiểu lịch sử dân tộc, đó là cả một câu chuyện bắt buộc chúng tôi phải có thời gian mà quá trình hoàn thiện tác phẩm không cho phép chúng tôi kéo dài thời gian thực hiện. Hơn nữa, những nhân vật trong phim không gói gọn ở những phóng viên của Điện ảnh Quân đội nhân dân mà là mở rộng ra các phóng viên chiến trường nói chung nên việc tìm kiếm các nhân vật của cũng đặt ra bài toán khó cho đoàn làm phim. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của các nhân chứng, gần như có những câu chuyện gì hay nhất, xúc động nhất thì họ kể lại cho chúng tôi. Thậm chí, họ còn giới thiệu nhân vật giúp chúng tôi.
Đề tài phim lịch sử, cách mạng sẽ là một câu chuyện khai thác mãi mãi không bao giờ hết, như lời Đại tá Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân đã nói: Chúng ta càng làm nhiều phim về lịch sử thì càng thấy “trả nợ” cho lịch sử không đủ, bởi vì có quá nhiều những câu chuyện lịch sử đã khai thác rồi nhưng chưa chạm hết hoặc có nhiều góc nhìn khác nhau, khai thác nhân vật theo góc nhìn đa chiều.
“Phim đỏ” không chỉ là những thước phim mang giá trị lịch sử mà còn là cuộc đời của biết bao con người đã hòa tên mình vào dòng chảy của dân tộc để trao tặng lại những thước phim tư liệu sống động, là bằng chứng lịch sử cho thế hệ mai sau.