Giá trị vững bền của thống nhất non sông

Ngày 30/4/1975 - Một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là một chiến thắng quân sự đơn thuần, mà là một 'ngày hội thống nhất non sông'. Qua nửa thế kỷ, ngày 30/4 vẫn là một biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Giá trị trường tồn mãi mãi của ngày hội thống nhất non sông không chỉ nằm ở việc kết thúc chiến tranh mà còn ở tinh thần hòa hợp dân tộc - bài học lịch sử quý báu và là động lực vững chắc cho hành trình xây dựng tương lai. Vì vậy, chiến thắng ngày 30/4 không chỉ nhằm mục tiêu thống nhất đất nước, mà còn nhằm khát vọng cao hơn: Đem lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, kéo dài 21 năm (1954 - 1975) đã để lại những vết thương sâu sắc: Hàng triệu người thiệt mạng, bị thương, gia đình ly tán.

Nhân dân hòa mình vào ngày hội 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nhân dân hòa mình vào ngày hội 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngay sau ngày 30/4, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành những chủ trương quan trọng: Hội nghị hiệp thương chính trị giữa hai miền Nam – Bắc được tổ chức để thống nhất đất nước về mặt nhà nước; Hiến pháp năm 1980 khẳng định quyền bình đẳng của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt quá khứ, địa vị xã hội; Chủ trương “Hòa giải dân tộc” thể hiện rõ không phân biệt đối xử giữa người từng đứng ở bên này hay bên kia chiến tuyến;…

Tất cả đều là con Lạc cháu Hồng, đều góp phần dựng xây đất nước. Tinh thần nhân văn đó đặt nền móng cho sự ổn định chính trị nhanh chóng của Việt Nam thời hậu chiến và củng cố đại đoàn kết toàn dân.

Hòa hợp không chỉ là lời kêu gọi suông, mà được cụ thể hóa bằng những chính sách: Cải tạo kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng đều từ Bắc chí Nam; Chính sách ưu tiên học tập, tuyển dụng nhân tài từ mọi miền. Hợp tác quốc tế rộng mở nhằm tái thiết đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, tinh thần hòa hợp dân tộc đã được tiếp tục khẳng định tại Đại hội VI (1986), trong đó nhấn mạnh đến huy động mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước, bao gồm kiều bào và các thành phần kinh tế đa dạng. Khẩu hiệu “Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển” trở thành phương châm xuyên suốt cho các giai đoạn sau.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến năm 2024, lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt khoảng 16 tỉ USD, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Đây là minh chứng rõ rệt cho chính sách hòa hợp dân tộc thành công trong việc gắn kết cộng đồng người Việt toàn cầu với sự nghiệp phát triển đất nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2030 là: “Trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt từ 7.500–8.000 USD”.

Để thực hiện mục tiêu đó, tinh thần đại đoàn kết - hòa hợp dân tộc được nhấn mạnh là “nhiệm vụ chiến lược số một” trong việc tập hợp sức mạnh toàn dân. Các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” chính là biểu hiện cụ thể của tinh thần ấy trong thực tiễn.

Lực lượng vũ trang tỉnh Long An nhận sự giúp đỡ đồng bào tôn giáo trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Lực lượng vũ trang tỉnh Long An nhận sự giúp đỡ đồng bào tôn giáo trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Hiện có gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đề án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”, hàng năm có hơn 300 hoạt động văn hóa, hội thảo hướng về quê hương được tổ chức ở nước ngoài.

Chính sách của Nhà nước về kiều bào (Nghị quyết 36/NQ-TW 2004, Luật Quốc tịch sửa đổi 2015, Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới) nhấn mạnh, kiều bào là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mở rộng quyền lợi, hỗ trợ hồi hương, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Trong bài diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu những bài học kinh nghiệm lớn có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Trong đó, có bài học về lòng nhân ái, hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai sau chiến thắng. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thực hiện nhất quán quan điểm “dân là gốc”, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục đích của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc với tinh thần chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, “như cây một cội, như con một nhà"”.

Tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt, đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc và yêu thương trên mảnh đất quê hương, đều có quyền và trách nhiệm góp sức xây dựng Tổ quốc.

Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển.

Qua đó, Tổng Bí thư mong muốn, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là thời điểm lịch sử để mọi người Việt Nam, mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, những đảng viên và mọi người dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, muôn triệu người như một, đoàn kết, chung tay, hướng về Tổ quốc vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Lực lượng vũ trang tỉnh Long An và Phật giáo tỉnh phối hợp giúp đỡ người dân

Lực lượng vũ trang tỉnh Long An và Phật giáo tỉnh phối hợp giúp đỡ người dân

Ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Vì vậy, việc thắp sáng lý tưởng hòa hợp, đoàn kết, trách nhiệm cộng đồng trong thế hệ trẻ là yêu cầu sống còn đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

Thế giới đang chứng kiến chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc và bất ổn chính trị có những diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, tinh thần hòa hợp dân tộc là “liều vắc xin tinh thần” bảo vệ Việt Nam trước những nguy cơ: “Diễn biến hòa bình, kích động ly khai, chia rẽ”; “Suy giảm niềm tin xã hội, mâu thuẫn nội bộ”.

Tinh thần hòa hợp dân tộc - thấm đẫm lòng nhân ái, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã, đang và sẽ mãi trường tồn, tiếp tục soi đường cho sự nghiệp xây dựng tương lai chung: Một nước Việt Nam hòa bình, đoàn kết, hùng cường và thịnh vượng. Một Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, là phải kế thừa và phát huy tinh thần ấy bằng hành động thiết thực: Học tập tốt, lao động sáng tạo, chung sức xây dựng quê hương, khẳng định bản lĩnh dân tộc trên trường quốc tế.

Chiến thắng 30/4 là điểm tựa lịch sử. Hòa hợp dân tộc là sợi dây thiêng liêng gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước./.

Biện Cường

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/gia-tri-vung-ben-cua-thong-nhat-non-song-a194432.html