Giả từ mỳ tôm đến gia vị: Vi phạm nhãn hiệu ngày càng tinh vi phức tạp

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường, nếu như ngày xưa, hàng giả xảy ra nhiều ở những đồ quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nhưng bây giờ cả những mặt hàng rất tinh vi như thực phẩm chức năng…

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn cách phân biệt một số sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn cách phân biệt một số sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Ngày xưa, hàng giả xảy ra nhiều ở những đồ quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nhưng bây giờ cả những mặt hàng như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh... cũng xuất hiện hàng giả,"

Đây là chia sẻ của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) tại Tọa đàm: “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ,” do Tạp chí Công Thương tổ chức trực tuyến ngày 30/6.

Thiệt hại đầu tiên là người tiêu dùng

Từ giữa năm 2022 khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu dừng hẳn thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu nóng trở lại. Ông Trần Hữu Linh đánh giá, trong khoảng một năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Đơn cử, hãng Ajinomoto sản xuất bột ngọt, hãng Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói, thậm chí những thương hiệu rất nổi tiếng của Tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng xuất hiện hàng giả ở thị trường nội địa.

“Ngay cả đồ chơi trẻ em của một hãng rất nổi tiếng trên thế giới đó là Lego của Đan Mạch trong tháng qua cũng đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm Lego ở thị trường Việt Nam,” ông Trần Hữu Linh nêu thực tế.

Không chỉ hàng ngoại, nhiều thương hiệu sản phẩm của Việt Nam cũng bị hàng giả đe dọa. Gần đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt một vụ rất lớn liên quan đến tự sản xuất thực phẩm chức năng rồi bán trên mạng. Điều này rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân,

Tọa đàm: Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tọa đàm: Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Người đứng đầu lực lượng quản lý thị trường bày tỏ lo ngại khi đường đi của hàng giả cũng ngày càng lắt léo, tinh vi hơn, không chỉ thẩm lậu từ nước ngoài, sản xuất ngay tại thị trường nội địa mà kênh thương mại điện tử cũng bị lợi dụng để tiêu thụ các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, đối tượng làm hàng giả rất tinh vi khi họ cũng nghiên cứu pháp luật rất kỹ để qua mặt cơ quan thực thi. Đáng chú ý, rất nhiều những sản phẩm hàng giả được làm gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đấy, để xử lý những tranh chấp rất mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng thực thi pháp luật còn bị các gian thương kiện ngược lại.

“Qua những thông tin như tôi vừa mới nêu thì trong sáu tháng đầu năm chúng tôi đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc đó vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền thì thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng,” ông Trần Hữu Linh thông tin thêm.

Ưu tiên những hoạt động mang tính phòng ngừa

Từ những con số nêu ra, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cũng không thể “ba đầu sáu tay” làm tất cả được mọi việc và cần phải sự tiếp cận mang tính hệ thống và toàn diện.

Ông nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là một kênh quan trọng trong vấn đề bảo vệ thương hiệu, do vậy, doanh nghiệp phải chủ động chứ không phải đợi cơ quan chức năng.

“Người tiêu dùng muốn bảo vệ mình thì phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc các luật sư thành một cơ chế hợp tác giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung và đấy là con đường, cách thức,” luật sư Nguyễn Tiến Lập nói.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty Trách nhiệm hữu hạn URC Việt Nam cũng đồng tình đánh giá trên, đồng thời chia sẻ việc bảo hộ thương hiệu tại doanh nghiệp này, theo đó, URC thực hiện nhiều hành động để phòng chống tình trạng hàng nhái, hàng giả như thông qua phối hợp với các cơ quan chức năng để làm sao để phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn nêu trên.

“Chúng tôi có những đề xuất đến các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm nếu có. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng giúp khách hàng có thể nhận dạng được những thương hiệu của công ty thông qua các kênh truyền thông chính thức như website hoặc hotline của công ty,” đại diện URC cho biết thêm.

Về phía lực lượng chức năng, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, việc đi kiểm tra của lực lượng chức năng chỉ là phần ngọn, khi thấy có dấu hiệu thì đi kiểm tra. Hơn nữa, nhắc lại ý kiến của luật sư Nguyễn Tiến Lập về việc tất cả các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến người tiêu dùng là người mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả này.

Về phía lực lượng quản lý thị trường đặt trọng tâm trong công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của những mặt hàng ở thị trường nội địa là ưu tiên, cũng như tập trung vào những tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm để không hình thành các điểm nóng.

Ông Linh cho hay, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử đến năm 2025, trực tiếp lực lượng Quản lý thị trường được giao chủ trì triển khai Đề án này, trong đó Tổng cục đã mời tất cả các bộ, ngành liên quan từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính… để cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, từ việc làm sao để chống thất thu thuế trên thương mại điện tử đến việc làm thế nào dùng những biện pháp kỹ thuật internet để truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng, trên những sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội...

Ông khuyến nghị sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội trong việc phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng nhằm kiểm tra, xử lý ngay các mặt hàng có dấu hiệu bị làm giả

“Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ phối hợp với nhiều lực lượng chức năng tập trung vào nội dung này. Chúng tôi xin khẳng định lại hàng giả và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến năm 2025,” ông Trần Hữu Linh nói./.

Theo Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2022, các đội Quản lý thị trường trên khắp cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tổng cộng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái.

Riêng 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng xử lý 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-tu-my-tom-den-gia-vi-vi-pham-nhan-hieu-ngay-cang-tinh-vi-phuc-tap/872434.vnp