Giá vàng cao nhất mọi thời đại và chưa có dấu hiệu dừng lại

Giá vàng hiện đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại, tăng 26% tính từ đầu năm và vẫn chưa có dấu hiệu đầu cơ mạnh mẽ như giai đoạn 2008 - 2011. Điều này hàm ý rằng, vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian 1 - 2 năm tới.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Thiên Quang - Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về diễn biến tăng phi mã của giá vàng trong thời gian gần đây.

* PV: Thưa ông, có thể thấy là “giá vàng tăng chóng cả mặt”. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về diễn biến giá vàng từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay? Ông lý giải sao về hiện tượng giá vàng liên tục tăng như vậy?

- Ông Phạm Thiên Quang: Hiện tại, giá vàng đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại, tăng xấp xỉ 26% từ đầu năm đến nay. Về bản chất, vàng thường được dùng để bảo vệ sức mua, và bị tác động chính bởi những yếu tố bất ổn kinh tế. Khi nền kinh tế có nhiều rủi ro, hoặc lạm phát phi mã là lúc vàng tăng. Ngoài ra, vàng thường được giao dịch chính bằng đồng USD, nên sự tăng giảm của đồng USD cũng ảnh hưởng nhất định đến biến động của giá vàng.

Điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại, các nền kinh tế trên thế giới đều đang bơm tiền kỷ lục. Mỹ tung ra gói cứu trợ nới lỏng định lượng không giới hạn; Liên minh châu Âu (EU) cũng đạt được thỏa thuận lên đến 1,1 nghìn tỷ Euro trong 7 năm tới,… Hầu hết các nền kinh tế phát triển (Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản…) đều rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, các nền kinh tế đang phát triển (Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á …) sụt giảm mạnh hơn ước tính ban đầu. Đây cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng phi mã của vàng.

* PV: Giá vàng đã vượt mốc 55 triệu đồng/lượng và tiếp tục dự báo còn có thể tăng “sốc”. Theo ông, giá vàng đã lập đỉnh chưa? Đâu là các yếu tố có thể tác động tới các chiều tăng/giảm của giá vàng hiện nay?

- Ông Phạm Thiên Quang: Như tôi vừa nói ở trên, sự gia tăng của giá vàng trong thời gian trở lại đây đã phản ánh những bất ổn lớn và cú sốc mà nền kinh tế thế giới trải qua, có thể kể đến là chiến tranh thương mại, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19. Các yếu tố cấu thành nên sự bất ổn và cú sốc này chúng tôi cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm khi chủ nghĩa bảo hộ trở thành xu hướng ở một số quốc gia có ảnh hưởng lớn như Mỹ, Anh, một số nước EU, trong khi đó đại dịch Covid - 19 vẫn cho thấy sự lan rộng chưa dừng lại ở các nước châu Mỹ, Ấn Độ và có thể có “làn sóng thứ 2” khi mùa Đông kinh tế đến và vắc-xin vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Trong giai đoạn 2008 - 2011, thị trường vàng cũng chứng kiến mức tăng giá mạnh từ 600 USD lên 1.900 USD (316%) cũng vì những lý do bất ổn kinh tế tương tự như trên. Tuy vậy, mức tăng giá cao nhất trong một năm chỉ là 31% trong giai đoạn bất ổn cao của cuộc khủng hoảng trong năm 2008, và thông thường khi đạt mức này các quỹ đầu tư vàng lớn trên thế giới thực hiện chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận, khiến vàng có xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Thời điểm hiện tại, vàng đã có mức tăng giá 26% tính từ đầu năm, và chúng tôi nhận thấy vẫn chưa có dấu hiệu đầu cơ mạnh mẽ như giai đoạn 2008 - 2011. Điều này hàm ý rằng, vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian 1 - 2 năm tới. Tuy vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trong giai đoạn hiện tại, khi mà vàng đã có mức tăng khá từ đầu năm, có thể kích thích việc chốt lời của các quỹ đầu tư trên thế giới.

* PV: Theo góc nhìn của ông, thời gian gần đây, liệu rằng thị trường vàng “hot” một phần là do “nhà đầu tư F0” như trên TTCK vừa rồi hay không?

- Ông Phạm Thiên Quang: Chứng khoán là kênh đầu tư có trong 20 năm trở lại đây, trong đó tỷ lệ tài khoản trên tổng dân số Việt Nam đâu đó chưa đến 3%. Trong khi đó, ngược lại vàng là kênh đầu tư đã có đến hàng trăm năm nay, và đại đa số người dân đã biết về kênh đầu tư này. Chính vì vậy, tôi không cho rằng thị trường vàng bị tác động bởi “nhà đầu tư F0”.

Nguyên nhân sâu xa làm giá vàng tăng mạnh thời gian qua như tôi đã nói ở trên đến từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, nhà đầu tư đã đổ xô tìm đến vàng như là một tài sản trú ẩn an toàn. Giá vàng tăng đã được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố: căng thẳng địa chính trị gia tăng, lãi suất thực giảm mạnh, đồng USD yếu hơn và các chính phủ, ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang đưa ra những biện pháp kích thích lớn để thúc đẩy nền kinh tế.

* PV: Vàng là kênh đầu tư không dễ kiếm lời, là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân, ông có khuyến nghị gì với nhà đầu tư cá nhân trên thị trường vàng? Chúng ta nên phân bổ tài sản thế nào trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay?

- Ông Phạm Thiên Quang: Đứng trên góc độ quản lý tài sản, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên phân bổ vào một rổ các kênh tài sản khác nhau nhằm đa dạng hóa danh mục. Tuy vậy việc phân bổ như thế nào hợp lý phụ thuộc vào 2 yếu tố sau:

Thứ nhất, dựa vào thế mạnh của mỗi nhà đầu tư, chúng ta sẽ phân bổ nhiều vào các kênh mà mình có kinh nghiệm và kiến thức sâu hơn, phân bổ tỷ lệ ít vào các kênh có ít kinh nghiệm và kiến thức hơn; đồng thời sẽ không đầu tư vào kênh nào mà chúng ta không hiểu rõ.

Thứ hai, trong điều kiện nền kinh tế đang bất ổn như hiện nay, nhà đầu tư cân nhắc phân bổ nhiều hơn vào các kênh tài sản có tính phòng thủ cao đảm bảo được giá trị theo thời gian như vàng, hay dòng tiền đều như trái phiếu. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải nhắc lại rằng vàng có một số yếu tố bất lợi như: Chênh lệch giữa giá mua và giá bán; chi phí bảo quản cao; không sinh ra dòng tiền đều.

Tùy vào chiến lược đầu tư mà mỗi nhà đầu tư sẽ có quyết định khác nhau. Cá nhân là nhà đầu tư thiên hướng theo an toàn và có mức sinh lợi vừa phải, tôi sẽ đầu tư phân bổ đều giữa các kênh cổ phiếu, trái phiếu, và vàng. Với tập hợp tài sản như vậy sẽ giúp tôi có thể phòng vệ (trái phiếu, vàng) khi thị trường vào giai đoạn bất ổn như hiện nay, trong khi vẫn hưởng lợi (cổ phiếu) khi nền kinh tế khởi sắc trở lại.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-07-28/gia-vang-cao-nhat-moi-thoi-dai-va-chua-co-dau-hieu-dung-lai-90097.aspx