Giá vàng có thể lỡ nhịp 3.000 USD/ounce năm 2025
Các yếu tố đối nghịch gồm nhu cầu đầu cơ thấp hơn và các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng đã bù trừ lẫn nhau, giữ giá vàng dao động trong phạm vi giới hạn trong vài tháng qua.
Lãi suất “neo” cao hơn, vàng bớt hấp dẫn
Sau đợt tăng giá kỷ lục, giới đầu tư vàng có lẽ cần phải kiên nhẫn hơn. Ngân hàng đầu tư hàng đầu Goldman Sachs vừa điều chỉnh dự báo, cho rằng mốc giá 3.000 USD/ounce sẽ không đạt được vào cuối năm 2025 như kỳ vọng trước đó. Thay vào đó, lộ trình tăng giá của kim loại quý này được dự đoán sẽ chậm lại do các yếu tố kinh tế vĩ mô thay đổi.
Việc Fed giảm tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025 làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ ETF (quỹ giao dịch hoán đổi) vốn thường đổ tiền vào vàng khi lãi suất giảm. Bên cạnh đó, những bất ổn được xoa dịu sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đã khiến dòng tiền chảy vào các quỹ ETF giảm đi đáng kể, tạo ra một điểm khởi đầu thấp hơn cho giá vàng trong năm 2025. Chính những điều này đã tác động trực tiếp đến giá vàng, buộc Goldman Sachs phải đưa ra dự đoán giá vàng sẽ đạt đỉnh khoảng 2.910 USD/ounce vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, thay vì mốc 3.000 USD như dự đoán trước đó.
Có còn nhiều cơ hội bứt phá cho vàng trong năm 2025
Tuy có nhiều thách thức nhưng cũng không phải không có những cơ hội để vàng tạo đà bứt phá trong thời gian tới. Goldman Sachs cho biết hoạt động mua vàng đều đặn của các ngân hàng trung ương vẫn sẽ là một bước đà vững chắc để đẩy giá vàng lên trong dài hạn. Đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang có xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và vàng là một lựa chọn hàng đầu.
“Các lực lượng đối lập - nhu cầu đầu cơ thấp hơn và hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương cao hơn về mặt cấu trúc - đã bù trừ hiệu quả cho nhau, khiến giá vàng dao động trong vài tháng qua”, các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định. Họ dự báo các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua trung bình khoảng 38 tấn vàng mỗi tháng cho đến giữa năm 2026.
Theo Krishan Gopaul, chuyên gia phân tích cấp cao, EMEA tại Hội đồng vàng Thế giới cho biết: "Các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng mạnh tay trong tháng 11. Tổng cộng, họ đã mua thêm 53 tấn vàng vào dự trữ. Xu hướng này đã diễn ra suốt năm nay, với các ngân hàng trung ương, chủ yếu từ các quốc gia đang phát triển, là những người mua vàng chính. Họ mua vàng vì xem nó là một tài sản an toàn và ổn định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn".
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) đã có một tháng 11 "bội thu" khi mua vào tới 21 tấn vàng, nâng tổng dự trữ lên 448 tấn. Động thái này cho thấy quyết tâm của Ba Lan trong việc đạt mục tiêu 20% dự trữ bằng vàng, đồng thời khẳng định vị thế là quốc gia mua vàng nhiều nhất trong năm 2024.
Tuy nhiên, không chỉ có Ba Lan là quốc gia duy nhất hành động như vậy. Các quốc gia đang phát triển khác cũng rục rịch khởi động để bắt đầu tham chiến đường đua mua vàng dự trữ, đa dạng hóa ngoại hối của mình. Trong đó có thể kể đến Ngân hàng Trung ương Uzbekistan mua thêm 9 tấn vàng, đánh dấu sự trở lại sau một thời gian tạm dừng. Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng không chịu thua kém khi tiếp tục mua vào 8 tấn vàng, củng cố vị trí là người mua vàng lớn thứ hai trong năm 2024.
Để khởi động đường đua dự trữ vàng trong năm 2025, một số ngân hàng của các quốc gia đang phát triển như: Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Ngân hàng Trung ương Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Séc và Ghana đã đều tăng lượng vàng dự trữ của mình trong tháng 11. Đáng chú ý, PBoC đã quay trở lại thị trường sau 6 tháng tạm dừng mua vàng, cho thấy sự tin tưởng vào vai trò của kim loại quý này trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc giá vàng có sự biến động nhẹ theo xu hướng giảm dần lại càng tạo ra cơ hội, tiền đề giúp các ngân hàng trung ương hành động quyết liệt hơn trong cuộc đua mua vàng dự trữ. Bởi lẽ trong bối cảnh xảy ra nhiều bất ổn chính trị, kinh tế trên toàn thế giới, vàng vẫn đã, đang và sẽ là kênh đầu tư an toàn hàng đầu, ít có rủi ro nhất.
Bên cạnh việc cú hích từ các ngân hàng trung ương, giá vàng cũng được các chuyên gia dự đoán nhận được sự củng cố vị thế đến từ các yếu tố khác như: lạm phát, chính sách của chính quyền mới ở Mỹ, căng thẳng thương mại. Goldman Sachs hiện dự kiến Fed sẽ cắt giảm 75 điểm lãi suất trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 100 điểm. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đang chờ đợi những chính sách mới đến từ chính quyền của ông Trump vì rất có thể những thay đổi trong hoạch định kinh tế Mỹ sẽ tạo ra khủng hoảng tại khu vực châu Âu và các quốc gia lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ. Điều vô hình chung khiến các quốc gia này buộc phải tìm đến hầm trú ẩn an toàn như vàng. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng tại đấu trường thương mại thế giới cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy giá vàng lên từng ngày. Nếu căng thẳng thương mại leo thang, người ta ít có thể bỏ qua kênh đầu tư an toàn dài hạn như vàng.
Từ trước đến nay, vàng vẫn được xem là một loại tài sản quan trọng trong việc bảo vệ giá trị tài sản của cá nhân và quốc gia trong bối cảnh khó lường của kinh tế toàn cầu. Dù có thể có những sự rớt giá trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn chưa có thứ kim loại nào có thể vượt qua vàng đóng vai trò then chốt trong ngân khố dự trữ quốc gia và kênh đầu tư an toàn hàng đầu.