Giá vàng, dầu tăng có lo lạm phát?

Giá vàng tăng ít gây tác động xấu tới kinh tế, trong khi giá dầu lại đang tạo áp lực lớn lên lạm phát trong nước và thế giới

Cuối ngày 23-10, giá vàng SJC được các doanh nghiệp (DN) niêm yết mua vào 70,1 triệu đồng/lượng, bán ra 70,8 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng được giao dịch quanh 58 triệu đồng/lượng mua vào, 59 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm trước.

Méo mó thị trường vàng

Dù vậy, giá vàng trong nước đang ở vùng đỉnh lịch sử do ảnh hưởng từ đà tăng mạnh mẽ của giá vàng thế giới. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng khoảng 4 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K tăng khoảng 5 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 6% và 9%. Các mức sinh lời này tương đương lãi suất tiết kiệm và không quá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Tuy vậy, biến động của giá vàng thời gian qua được đánh giá là không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, như trước đây.

Khách hàng mua vàng tại cửa hàng Mi Hồng, quận Bình Thạnh, TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khách hàng mua vàng tại cửa hàng Mi Hồng, quận Bình Thạnh, TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều chuyên gia, DN đều nhận định vàng hiện nay chỉ được xem là một kênh đầu tư, quy mô thị trường cũng thu hẹp rất nhiều so với nhiều năm trước. Các ngân hàng (NH) thương mại cũng không còn huy động và cho vay vàng. Ngay mảng kinh doanh vàng miếng tại nhiều NH cũng được thu hẹp hoặc thậm chí ngừng hẳn. Một cán bộ NH Nhà nước khẳng định thị trường vàng thời điểm này ít tác động tới kinh tế vĩ mô, trong đó có lạm phát.

Không gây tác động nhiều đến nền kinh tế nhưng việc giá vàng SJC "một mình một chợ" một thời gian dài, cao hơn giá vàng thế giới tới cả chục triệu đồng mỗi lượng lại gây méo mó thị trường vàng, ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu vàng miếng quốc gia. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, cho rằng Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" ở giai đoạn năm 2012-2013, góp phần lập lại trật tự, ổn định thị trường này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bối cảnh nền kinh tế đã khác nên cần thiết sửa đổi nghị định để sát thực tế hơn.

Theo ông Khánh, cả vàng trang sức, vàng nhẫn và cả vàng miếng SJC hiện tại đều được xem là tài sản có giá trị chứ không còn là phương tiện thanh toán như nhiều năm trước. Do đó, về lâu dài có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng SJC, cho phép một số DN lớn có điều kiện nhất định được nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng để tăng nguồn cung cho thị trường. "Nỗi lo của nhà nước khi nhập khẩu vàng nguyên liệu là tốn ngoại tệ, ảnh hưởng tới tỉ giá. Nhưng thực chất ngoại tệ nhập khẩu vàng chỉ cần khoảng 500 triệu USD đến 1 tỉ USD là đủ sức để tăng nguồn cung, kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới mà không tác động đến tỉ giá, kinh tế vĩ mô. Cần sửa Nghị định 24 theo hướng triển khai đồng bộ giải pháp để xử lý những tồn tại trên cả thị trường vàng miếng, vàng trang sức" - ông Huỳnh Trung Khánh kiến nghị.

Áp lực lớn từ giá dầu

Trong khi đó, với giá dầu, TS Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế, ĐH RMIT, cho biết giá dầu đã tăng 4% ngay sau vụ tấn công của Hamas vào Israel. Giá dầu cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát. Đối với Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, tình hình càng trở nên khó khăn. Trong bối cảnh này, NH Nhà nước phải cân nhắc giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và việc duy trì tăng trưởng kinh tế. "Dù NH Nhà nước đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát chung, từ 4,9% vào tháng 1-2023 xuống còn 2,1% vào tháng 7-2023 nhưng lạm phát cơ bản lại chỉ giảm tốc độ từ 5,2% xuống 4,1% trong cùng khoảng thời gian, cho thấy lạm phát cơ bản vẫn là một mối lo đáng kể. Liệu NH Nhà nước có điều chỉnh chính sách tiền tệ để đối phó với các cú sốc mới hay không?" - TS Bùi Duy Tùng lập luận.

Theo chuyên gia của RMIT, một trong những giải pháp có thể được xem xét là việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu trong nước từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Điều này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng ứng phó với những biến động toàn cầu. Độ trễ hiện tại theo quy định là 10 ngày có thể làm tăng áp lực lạm phát trong thời kỳ giá dầu toàn cầu tăng cao. Theo quy định hiện hành, giá xăng dầu trong nước không thay đổi trong 10 ngày, bất chấp biến động của thị trường thế giới.

Về phía DN, các hãng hàng không vốn phụ thuộc vào chi phí nguyên liệu đầu vào là giá dầu và tỉ giá rất lớn. Vietnam Airlines cho biết năm 2023, giá nhiên liệu bay dự kiến được hãng xây dựng khoảng 112 USD/thùng trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent. Nhưng rủi ro giá nhiên liệu vẫn rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới. Giá nhiên liệu bay chỉ tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay của hãng tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỉ đồng.

Vàng có thể vượt 2.000 USD/ounce

Giá vàng thế giới điều chỉnh giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 5 tháng qua xuống quanh ngưỡng 1.973 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 23-10. Trước đó, giá vàng đã có 4 phiên tăng giá liên tiếp cuối tuần qua, có lúc lên đến gần 2.000 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu Brent có thời điểm giảm còn 91,89 USD/thùng vào phiên giao dịch hôm 23-10 trong khi giá dầu WTI có lúc điều chỉnh giảm còn 87,73 USD/thùng. Giá dầu hạ nhiệt trong bối cảnh Israel tạm dừng cuộc tấn công trên bộ ở Gaza trong khi các nỗ lực trả tự do cho con tin vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, giá dầu có thể tiếp tục đà tăng nếu các nước khác bị kéo vào xung đột ở Gaza.

Tương tự dầu thô, giá vàng cũng nhạy cảm với tình hình ở Gaza. Chiến lược gia Phillip Streible tại Công ty Blue Line Futures (Mỹ) nhận định: "Mọi người đang đổ xô mua vàng vì nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro địa chính trị. Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Trung Đông, giá vàng sẽ dễ dàng vượt mốc 2.000 USD/ounce".

Bên cạnh chiến sự tại Gaza, biến động của giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như nhu cầu vàng trên toàn thế giới, sự khác biệt về tỉ giá, lãi suất và các quy định của chính phủ liên quan đến hoạt động buôn bán vàng. "Chúng ta rất có thể sẽ thấy vàng vượt qua mốc 2.000 USD/ounce vào năm 2024 và ổn định ở mức hỗ trợ đó. Kim loại quý này cũng sẽ phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại là 2.074 USD/ounce và có thể vượt qua ngưỡng 2.100 USD/ounce" - ông Collin Plume, Giám đốc điều hành Tổ chức Tài chính Noble Gold Investments (Mỹ), dự báo.

Trong trường hợp giá vàng và dầu tiếp tục tăng, điều này có thể gây áp lực lên cuộc chiến chống lạm phát hiện nay. Hôm 19-10, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhận định lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao, đồng thời cân nhắc khả năng còn tăng lãi suất.

Xuân Mai

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/gia-vang-dau-tang-co-lo-lam-phat-20231023212500277.htm