Giá vàng giảm sâu: Giới trẻ 'méo mặt', các bà các mẹ vẫn cười tươi chốt lời
Giá vàng lao dốc bất ngờ, và bài học đầu tư theo tư duy tích lũy tài sản, ăn chắc mặc bền của các bà các mẹ lại khiến giới trẻ phải suy ngẫm và học tập.
Giá vàng nhảy múa: người lỗ, người lãi
- Vàng lại xuống thêm mấy giá nhỉ, hình như nay là chỉ còn 82, cũng không vấn đề gì cả.
- Vàng nhẫn xuống dưới 80 rồi, nếu lại xuống tiếp thì đi mua vào nhé. Đợt rồi đúng lúc đỉnh, bán ra, chốt lời lần đầu tư này, hay là chị em tổ chức chuyến đi du lịch Hàn Quốc ngắm lá vàng cùng nhau...
Những lời trao đổi nói trên được ghi nhận bên lề một buổi tập dân vũ của câu lạc bộ hưu trí một tổ dân phố tại quận Đống Đa. Các bà, các mẹ nói vui rằng "ở độ tuổi 60-70, người ta không ngán gì giá vàng lên cao mà chỉ sợ cao huyết áp". Cô Kim Ngọc - một nữ kế toán viên về hưu cho biết bên cạnh việc tập dân vũ, các bà còn chăm chỉ đạp xe vòng quanh hồ Tây để rèn luyện sức khỏe. Thời gian vừa rồi, giá vàng nhảy múa, các cụ đã rủ nhau đạp xe ra mấy hàng vàng tại khu vực phố Trần Nhân Tông để mua vàng miếng.
Cứ mỗi lần muốn mua bán là 5 giờ sáng, các nữ nhà đầu tư cao tuổi đã dậy, đi xe đạp thẳng ra hàng vàng, và nhờ xếp hàng lấy số sớm nên việc mua bán đều rất nhanh. Sau khi ra tiệm vàng trao đổi mua bán, các bà các mẹ lại đạp xe về, đi chợ, lo cơm nước, chăm chồng, bế cháu giúp các con. Sau những lần mua bán, các nữ nhà đầu tư hưu trí này lại có những khoản lãi từ vài triệu đến vài chục triệu, "không lệch không rơi một đồng một xu nào nào".
Cô Kim Ngọc cho biết trong tổ hưu có một cô là nữ tiến sĩ kinh tế nhưng người đầu tư giỏi nhất, thu lời nhiều nhất lại là một nữ giáo viên tiểu học đã về hưu lâu năm. Đợt vừa rồi, gọi là đầu tư mua bán "vui vui", mỗi người trong tổ hưu đều đã thu được lợi nhuận nhờ chốt bán đúng lúc "đỉnh". Các bà rủ nhau đi mua vào lúc giá chưa tăng quá cao, và nhận định chuẩn "thời điểm này đỉnh rồi, bán". Sau khi các cụ bán ra, vàng đã lập tức lao dốc.
Trong đầu tư, câu nói "quan trọng nhất là thời điểm" luôn đúng, trong khi các bà các mẹ vẫn mua bán thành công thì nhiều chị em trẻ mới chân ướt chân ráo nhảy vào thị trường trong đợt tăng giá vàng vừa qua đã phải cắt lỗ. Thanh Huyền - một "Gen Z" đang làm việc cho 1 tập đoàn nước ngoài với mức lương 3000 USD/tháng chia sẻ: "Tính ra từ đầu tháng 11 cho đến nay, sau khoảng chục ngày, với mỗi lượng vàng, em đã lỗ mất khoảng 7-8 triệu. Thời gian vừa rồi, thấy giá vàng lên quá cao, dự là còn lên nữa, em cũng mua thử vài lượng, mua đúng lúc giá cao, giờ lại phải bán nhanh sợ còn lỗ nhiều thêm".
Chị Lan Hương (quận Đống Đa) cho biết thấy thị trường vàng xôm tụ, cũng thử "ôm" vàng vào thời điểm đầu tháng 10, đến cuối tháng lúc vàng lập đỉnh cũng được nếm chút cảm giác "nhà đầu tư thông thái". "Nhưng rồi vàng cứ nhảy lên nhảy xuống, rồi thì hôm 7/11 vừa rồi có một pha lao dốc, tôi chẳng lãi được xu nào, còn đang lo lỗ, đúng là món vàng này không hề đơn giản. Mẹ tôi thì vừa có vàng tích trữ, vừa mua bán thêm và lãi được 1 khoản kha khá, mình đúng là chẳng bằng các cụ".
Các bà các mẹ với triết lý đầu tư kiểu ăn chắc mặc bền
"Các bà đã sống qua bao thời kỳ kinh tế, từ hồi bao cấp khó khăn cho đến bây giờ, nên kinh nghiệm thì thừa nhé, có những cái là cuộc sống dạy mình, có những thứ nó là vô hình, khó mà cảm nhận được. Ngày xưa cộng cả lương của ông với của bà vào được có mấy triệu, mà vẫn chăm lo được cho cả nhà, nuôi con cái ăn học trưởng thành, dựng vợ gả chồng cho từng đứa, rồi vẫn còn dư ra mà mua được đất, mua được vàng, còn giờ chúng mày đi làm hai vợ chồng tổng đến 50 chục triệu/tháng mà sao cứ hết tiền, chẳng tích lũy được gì thế", vẫn giữ cách gọi con cháu là "chúng mày" thân thuộc và gần gũi, bà Lưu Thị Nga (Hoàn Kiếm - Hà Nội) bắt đầu bài "thuyết trình" đã khá quen thuộc với con cháu.
Đã 73 tuổi, mọi khoản đầu tư của bà Nga đều chỉ là "cho vui", "để lúc chết có cái mà chia cho con cháu". Người phụ nữ Hà Thành cả 1 đời chăm lo cho con cháu đâu ra đấy, xây dựng kinh tế gia đình ổn định. Về già, bà vẫn cứ có những "thương vụ đầu tư" khiến con cháu phải nể phục. Đất Đông Anh giờ đang xôm tụ, lên giá sau khi được bung thông tin dự án, bà đã mua vài mảnh to cách đây vài năm, ở thời điểm giá còn rẻ. Thời gian vừa rồi, bà Nga cũng đã lãi kha khá khi bỏ 1 khoản ra để "lướt" theo vàng, bán chốt lãi ở đúng thời điểm giá cao nhất.
"Bọn trẻ bây giờ có lắm thứ để đầu tư, chứng khoán hay tiền ảo gì đấy, chứ thời các bà cứ có chút tiền là nghĩ đến mua vàng. Tư duy mua vàng, tích trữ vàng đối với người phụ nữ thì có từ lâu lắm rồi, đấy là 1 cách để giữ tiền, giữ tài sản. Các bà, các mẹ đều có kinh nghiệm mua bán vàng từ xưa, giờ đây có khoản tích lũy rồi, thì về mặt tâm lý đã rất ổn định, tư duy là ăn chắc. Ở thời điểm thị trường sôi động, giá biến động nhiều, các bà mua bán thêm, gọi là có thêm được vài đồng, có chút lãi. Mục đích của những nữ nhà đầu tư cứ vẫn luôn là vì gia đình, vì chồng con, cho con cho cháu, thế nên cứ hay được... trời thương. Trong đầu tư, sự may mắn là quan trọng lắm", bà Nga chia sẻ.
"Đừng vội chạy theo số đông, đừng dễ bị dao động, mình phải có chính kiến, phải có "cảm nhận" riêng của mình, nhưng muốn như thế thì không được có tâm lý "khát nước", bà Nga giải thích thêm.
Sau khi biết cô cháu gái cũng thử mua vài lượng, lỗ mất 1 khoản, bà Nga còn đùa vui "riêng cái vàng này, thì bọn trẻ còn non và xanh lắm, chưa kinh nghiệm bằng các bà già được. Cần bán, cần mua, 5h sáng các bà đã dậy đi ra cửa hàng mà xếp hàng, đấy là biểu hiện của tinh thần quyết tâm mà bọn trẻ giờ cần phải học".
Ở các cửa hàng vàng tại thời điểm hiện tại, khung cảnh bán mua khá sôi động. Giá vàng giảm, người có nhu cầu bán lẫn người có nhu cầu mua đều tăng. Trong mọi thời điểm, phụ nữ cao tuổi luôn là nhóm đối tượng khách hàng quen thuộc, mua bán giao dịch nhiều tại các điểm bán vàng.
Giá vàng nhảy múa, bài học đầu tư theo tư duy tích lũy tài sản, "ăn chắc mặc bền" của các bà các mẹ lại khiến giới trẻ phải suy ngẫm và học tập. Bên cạnh sự nhạy cảm thị trường, đằng sau mỗi quyết định mua bán là tình yêu thương dành cho gia đình, cho con cho cháu vô cùng đáng trân trọng.