Giá vàng hôm nay 2/1/2024: Vàng thế giới năm 2024 có duy trì đà tăng?

Theo nhà phân tích trưởng phiên châu Âu, Eren Sengezer, giá vàng thế giới phải đối mặt với rủi ro 2 chiều vào năm 2024. Các quyết định về chính sách tiền tệ của Fed, tình hình kinh tế thế giới và những diễn biến địa chính trị có thể tác động đáng kể đến hành động của giá vàng trong năm nay.

Chốt phiên giao dịch năm cũ 2023, giá vàng thế giới dao động quanh mức 2.062 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Chốt phiên giao dịch năm cũ 2023, giá vàng thế giới dao động quanh mức 2.062 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Giá vàng thế giới

Sau cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm, Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25% -5,5% và ghi nhận triển vọng lạm phát được cải thiện ổn định.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell nói, còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trước lạm phát nhưng thừa nhận rằng câu hỏi về thời điểm thích hợp để bắt đầu hạ lãi suất đang được xem xét. “Các nhà hoạch định chính sách đang suy nghĩ, bàn luận về thời điểm thích hợp để cắt giảm lãi suất. Chúng tôi rất tập trung vào việc không phạm sai lầm khi giữ lãi suất quá cao, quá lâu”- Powell nói.

Fed cũng tương đối tự tin rằng Hoa Kỳ sẽ tránh được suy thoái kinh tế. Quý III, GDP tăng trưởng với tốc độ ấn tượng hàng năm là 5,2%. Với tích lũy hàng tồn kho trong giai đoạn đó là động lực chính thúc đẩy việc mở rộng, nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy tốc độ tăng trưởng giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024.

Nhà phân tích trưởng phiên châu Âu, Eren Sengezer cũng phân tích 3 ba kịch bản cần xem xét trong nửa đầu năm 2024, cụ thể:

Kịch bản 1: Lạm phát tiếp tục giảm đều, thị trường lao động mất cân bằng, hoạt động kinh tế tương đối lành mạnh, GDP tăng trưởng từ 1,5% đến 2% trong quý I và quý II.

Kịch bản 2: Lạm phát tiếp tục giảm đều đặn, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể và nền kinh tế Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng dưới 1% trong quý I và quý II.

Kịch bản 3: Tiến trình kiềm chế lạm phát đã dừng lại, với chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi ổn định ở mức gần 3%.

Trong kịch bản 1, Eren Sengezer cho rằng, giá vàng có thể tăng cao hơn, nhưng xu hướng tăng có thể vẫn bị giới hạn trước khi xu hướng tăng dài hạn mới được hình thành. Một thị trường lao động mạnh mẽ, kết hợp với một nền kinh tế mạnh mẽ, sẽ cho phép Fed áp dụng cách tiếp cận thận trọng đối với sự thay đổi chính sách và hạn chế sự sụt giảm của đồng đô la và lợi suất trái phiếu.

Ở Kịch bản 2, Eren Sengezer nhận định với khả năng ghi nhận mức tăng lớn hơn kịch bản 1. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ yếu hơn có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc và làm tổn hại đến nhu cầu về kim loại quý.

Kịch bản thứ 3, ngược lại là giá vàng giảm. Eren Sengezer cho rằng, ưu tiên của Fed là đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ kiềm chế không nới lỏng chính sách quá sớm, ngay cả khi thị trường lao động hoặc nền kinh tế không hoạt động tốt. Điều này khiến đồng đô la tăng cao và lợi suất trái phiếu có thể đè nặng lên giá vàng thế giới.

Nhà phân tích trưởng phiên châu Âu, Eren Sengezer cũng nhận định thêm rằng: Yếu tố địa chính trị: Chiến tranh Nga-Ukraine năm 2022 và xung đột Israel-Hamas năm 2023 cho thấy Vàng vẫn là một trong những tài sản trú ẩn an toàn được ưa chuộng trong thời điểm bất ổn. Sự leo thang hơn nữa và xung đột lan rộng ở Trung Đông có thể nâng giá Vàng lên cao hơn.

Mặt khác, bầu cử tổng thống ở Mỹ: Có khả năng, gần 50% theo cuộc thăm dò của Real Clear Politics tiến hành ngày 15/12, cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử. Nếu đắc cử, Trump đang tìm cách áp thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nước ngoài và loại bỏ dần việc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu của Trung Quốc trong kế hoạch 4 năm. Mức thuế cao hơn có thể khiến công việc giảm lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed trở nên khó khăn hơn trong khi mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu của vàng.

Giá vàng trong nước

Trước giờ mở cửa phiên giao dịch ngày 2/1/2024, giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước được niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng miếng tại SJC Hà Nội và Đà Nẵng mua – bán ở mức 71,00 – 74,02 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.

Giá vàng DOJI Hà Nội niêm yết 68,00 – 74,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào bán ra ở mức 70,00 – 75,00 triệu đồng/lượng.

Giá vàng PNJ khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang mua vào ở mức 70,00 triệu đồng/lượng và bán ra mức 73,90 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phú Quý SJC niêm yết mua vào bán ra ở mức 70,00 -74,00 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 71,50 – 73,90 triệu đồng/lượng, tăng 900 nghìn đồng/lượng chiều mua và giảm 900 nghìn đồng/lượng chiều bán; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 61,96 – 63,16 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 61,60 – 62,60 triệu đồng/lượng

Chốt phiên giao dịch năm cũ 2023, giá vàng thế giới dao động quanh mức 2.062 USD. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 60,7 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới hiện về khoảng hơn 11,5 -13 triệu đồng.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-vang-hom-nay-212024-vang-the-gioi-nam-2024-co-duy-tri-da-tang-365472.html