Giá vàng hôm nay 25/6/2024: BofA dự đoán giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong vòng 12-18 tháng tới
Giá vàng thế giới tăng vào thứ Hai do sự suy yếu của đồng đô la Mỹ. Trong nước, vàng miếng SJC vẫn đi ngang, vàng nhẫn tăng nhẹ.
Giá vàng thế giới
Giá vàng thu hút lực mua trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tại Mỹ khi đồng đô la Mỹ điều chỉnh trong bối cảnh có đồn đoán chắc chắn rằng Fed sẽ thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Chỉ số đô la Mỹ theo dõi giá trị của Đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chính, giảm xuống 105,60. Kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần vào năm 2024 được củng cố trong bối cảnh áp lực lạm phát tại Mỹ giảm bớt.
Nhà phân tích Sagar Dua của Fxstreet cho rằng, báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cho thấy áp lực giá giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng 5. Ngoài ra, báo cáo sơ bộ của Chỉ số quản lý mua hàng toàn cầu (PMI) của S&P cho tháng 6 cho thấy dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng chi phí vừa phải.
“Lạm phát giá bán đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 6. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng trong lĩnh vực dịch vụ, nơi mức tăng thuộc hàng thấp nhất trong 4 năm qua và mức tăng trong lĩnh vực sản xuất là mức thấp nhất trong 6 tháng” - báo cáo cho biết.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch hiện đang định giá 66% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Trong đầu phiên giao dịch tại New York, Chủ tịch Ngân hàng Fed Chicago Austan Goolsbee cho biết, lạm phát chậm lại sẽ mở ra cơ hội cho việc nới lỏng chính sách.
Tuy nhiên, Sagar Dua cho rằng, giá vàng thế giới có thể chịu áp lực khi lãi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại. Các quan chức muốn thấy lạm phát giảm trong nhiều tháng trước khi chuyển sang quá trình bình thường hóa chính sách.
Một số nhà phân tích đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng, kim loại quý có thể biến động cao hơn trong phạm vi tương ứng vì mùa hè thường biến động thấp hơn. Không có dữ liệu kinh tế quan trọng nào được công bố vào thứ Hai, vì vậy các nhà phân tích kỳ vọng tâm lý sẽ chi phối dòng chảy trong một phiên tương đối yên tĩnh.
Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation, David Morrison, cho biết: “Vàng tiếp tục giữ trên mức 2.300 USD và chỉ số MACD hàng ngày tiếp tục đi ngang ngay dưới mức trung lập. Câu hỏi bây giờ là liệu chúng ta có nên kỳ vọng giá sẽ giảm nhiều hơn và việc xem xét lại các mức hỗ trợ thấp hơn hay không, hay liệu đợt bán tháo tồi tệ nhất đã qua đi. Hiện tại, rất khó để biết điều đó, vì vậy tốt nhất nên thận trọng cho đến khi có giải pháp nào đó cho bức tranh kỹ thuật phức tạp”.
Theo Investing.com, các nhà phân tích của Bank of America - BofA dự đoán giá vàng có thể tăng vọt, với ước tính đạt 3.000 USD/ounce trong vòng 12-18 tháng tới. Tuy nhiên, dòng chảy thị trường hiện tại không nhất thiết hỗ trợ mức giá này.
BofA cho rằng, việc đạt được 3.000 USD phụ thuộc vào nhu cầu phi thương mại ngày càng tăng. Họ tin rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể kích hoạt điều này, dẫn đến dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng được hỗ trợ vật chất và khối lượng giao dịch cao hơn.
BofA cho biết: “Việc ngân hàng trung ương liên tục mua vàng cũng rất quan trọng và việc thúc đẩy giảm tỷ trọng USD trong danh mục đầu tư ngoại hối có thể sẽ thúc đẩy việc mua vàng của ngân hàng trung ương nhiều hơn”.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi vị thế của vàng như một kho lưu trữ giá trị dài hạn, phòng ngừa lạm phát và đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả.
Ghi nhận lúc 21h34 (giờ Việt Nam) ngày 24/6, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2.330,30 USD, tăng 10,30 USD (tương đương 0,44%) so với phiên liền trước.
Giá vàng trong nước
Theo VTV, đã một tuần kể từ khi 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) áp dụng hình thức đặt mua vàng trực tuyến trên website ngân hàng hoặc đặt hàng qua tin nhắn.
Đã không còn cảnh người dân xếp hàng dài đông đúc chờ lấy số giao dịch. Tuy nhiên, vẫn lác đác có người ngồi chờ ở các điểm bán vàng miếng SJC để được vào mua hàng trực tiếp bởi họ gặp khó khi đặt mua trực tuyến.
Theo chia sẻ từ đại diện các ngân hàng, với hình thức đặt mua vàng trực tuyến, ngân hàng cũng áp dụng số lượng tương tự với hình thức trực tiếp trước đó nên mỗi ngày chỉ phục vụ một lượng khách nhất định dẫn đến việc nhiều người không thể đặt lệnh thành công khi số lượng giao dịch đã hết. Đồng thời, ngân hàng giới hạn mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng miếng SJC/ngày.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, việc bán vàng trực tuyến giúp người dân tiện lợi hơn, nhưng khó khăn trong việc mua vàng trực tuyến đang gây tâm lý khan hiếm, cần mở rộng quy mô bán để đáp ứng nhu cầu.
“Phát hành chứng chỉ vàng có thể là một giải pháp mà cơ quan quản lý có thể tính đến. Giải pháp này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng rất hiệu quả” - Ông Hiếu cho biết.
Theo chuyên gia, các cơ quan quản lý nên cân nhắc cho phép các nhà kinh doanh vàng phát hành chứng chỉ vàng và cho phép trao đổi chúng trên thị trường thứ cấp. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có nhiều ưu điểm như an toàn, tiện lợi, không lo gặp phải vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng và không phải trả phí gia công.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/6, giá vàng miếng SJC TP Hồ Chí Minh, DOJI, PNJ, Bảo tín Minh Châu đều niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá so với kết phiên liền trước. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng cũng duy trì ở mức 2 triệu đồng một lượng.
Còn giá mua, bán vàng nhẫn tại một số doanh nghiệp lớn niêm yết cụ thể: Vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu: 74,66 – 75,96 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với kết phiên ngày hôm qua. Vàng nhẫn Doji: 74,60 – 75,90 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng so với kết phiên ngày hôm qua. Vàng nhẫn SJC: 73,95 – 75,55 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với kết phiên ngày hôm qua.