Giá vàng liên tục 'xô đổ' kỷ lục - tin buồn đối với đồng USD
Giá vàng tuần này đã ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại khi vượt mức 2.100 USD/ounce. Giới chuyên gia nhận định điều này báo hiệu vị thế độc tôn của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế đang bị lung lay.
Trước đà bứt phá mạnh mẽ của giá vàng, một số nhà kinh tế cho rằng giá của kim loại quý này sẽ duy trì ở mốc trên 2.000 USD đến năm 2024 do những bất ổn chính trị, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và đồng USD yếu hơn.
Đợt tăng kỷ lục của giá vàng kể từ đầu tháng này cũng do chỉ số đồng USD giảm 3,1% so với 6 đồng tiền chủ chốt khác. Đồng bạc xanh suy yếu trong bối cảnh giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào đầu năm tới.
“Diễn biến của giá vàng cho thấy mọi người đang mất niềm tin vào đồng bạc xanh của Mỹ” - chuyên gia Claudio Grass tại Viện chính sách Mises và là cố vấn về kim loại quý độc lập tại Thụy Sĩ, nói với đài Sputnik.
Chuyên gia Grass lưu ý, thế giới đang bị chia cắt một lần nữa, trong đó phương Đông đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại và dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo vị chuyên gia này, trước xu thế này, Fed sẽ phải giảm lãi suất trong tương lai hoặc đối mặt với sự sụp đổ giảm phát.
“Vào những thời điểm không chắc chắn như hiện nay, vàng có thể hoạt động tốt trong môi trường lạm phát và cả giảm phát” - ông cho biết thêm.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng thế giới tăng mạnh từ tháng 11 khi giới đầu tư đổ xô đi mua vàng dù lãi suất cho vay đang cao, để bảo toàn tài sản.
Xu hướng này rõ ràng được thúc đẩy bởi chiến sự tại Ukraine, lo ngại về suy thoái kinh tế tại các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, và đặc biệt gần đây là cuộc các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, suy thoái kinh tế và lạm phát đang rình rập ở các nền kinh tế phát triển lớn và mới đây là cuộc xung đột ở Gaza. Lần gần nhất giá vàng tăng đột biến vào tháng 8/2020 ở mức 2.072,49 USD/ounce.
Ông Grass nhấn mạnh thêm: “Trước đây, người ta cho rằng đã tìm ra công thức kỳ diệu để tồn tại trước sự biến động của thị trường. Chúng tôi biết những danh mục đầu tư được gọi là 60 - 40 hoặc 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu. Tuy nhiên, chiến lược này hiện dường như không còn hiệu quả nữa. Ví dụ, vàng đã vượt trội hơn trái phiếu Kho bạc Mỹ tới 75% kể từ năm 2018”.
Đồng thời, chuyên gia này dự đoán trong tương lai các nhà đầu tư tổ chức cũng sẽ chuyển từ trái phiếu chính phủ sang đầu tư vàng trước lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng.
Theo chuyên gia Grass, thế giới sắp chứng kiến sự kết thúc của hệ thống tiền tệ do Mỹ thống trị.
Báo cáo được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố cuối tháng 10 vừa qua cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào 800 tấn vàng trong 3 quý đầu năm nay, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
WGC ước tính lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương trong quý 3 đạt 129 tấn, đưa tổng lượng mua chính thức lên 337 tấn, tăng hơn gấp đôi so với quý trước đó.
Theo Financial Times, giá tiêu dùng tăng “phi mã” và đồng tiền mất giá ở nhiều thị trường đã gây ra làn sóng tích trữ vàng kỷ lục trong những tháng đầu năm nay. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới, 24% các ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới do họ ngày càng bi quan về giá đồng USD trong vai trò tài sản dự trữ.
Giám đốc chiến lược thị trường tại WGC John Reade dự báo, tổng lượng vàng mua chính thức hàng năm trên thế giới sẽ “gần bằng hoặc vượt” mức 1.081 tấn của năm ngoái.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-vang-lien-tuc-xo-do-ky-luc-tin-buon-doi-voi-dong-usd.html