Giá vàng phi mã nhưng vẫn còn nhiều dư địa tăng?
Sự tăng giá chóng mặt của giá vàng trong nước, vượt đỉnh lịch sử 80,35 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 26/12/2023, đạt ngưỡng 81,85 triệu đồng/lượng kết thúc ngày 8/3.
Sau khi giao động quanh mức 2.000 – 2.050 USD/ounce (tương ứng 58-60 triệu đồng/lượng) trong khoảng thời gian từ đầu tháng 12/2023, chỉ trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3/2024, giá vàng thế giới đã tăng mạnh từ 2.043,24 USD/ounce (60,712 triệu đồng/lượng) khi kết thúc ngày 29/02 lên mức 2.179,16 USD/ounce (64,729 triệu đồng/lượng) vào cuối ngày 08/03 (tương ứng mức tăng khoảng 6,65%).
Điều này kéo theo sự tăng giá chóng mặt của giá vàng trong nước, vượt đỉnh lịch sử 80,35 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 26/12/2023, đạt ngưỡng 81,85 triệu đồng/lượng kết thúc ngày 08/03/2024.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá mạnh của kim loại quý này trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, các nhà đầu tư trên thế giới kỳ vọng rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đi đến giai đoạn cuối cùng và dự kiến sẽ bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng ngay trong năm 2024. Theo số liệu được công bố tại “Báo cáo ngành ngân hàng Việt Nam năm 2023 - Phần 1 Kinh tế vĩ mô: Chuyển mình thích ứng - vượt qua sóng lớn” của Học viện Ngân hàng, kể từ tháng 3/2022, FED đã nâng lãi suất 11 lần liên tiếp (trong đó riêng năm 2023 là 4 lần), thiết lập mức đỉnh mới 5,25 – 5,5% vào các tháng cuối năm 2023, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát (Biểu đồ 2) và mức lạm phát hiện tại của Mỹ đã gần đến tiệm cận mức lạm phát mục tiêu 2%.
Bên cạnh đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 7/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường lao động ổn định và những tiến bộ liên tục trong việc giảm lạm phát, Fed có thể và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt trong năm nay nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển theo hướng trên. Việc giảm lãi suất sẽ giúp nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm thêm tiền vào nền kinh tế, từ đó khiến giá tài sản (trong đó bao gồm cả vàng) có xu hướng tăng giá trước, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư.
Thứ hai, nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC). Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council), nhu cầu vàng toàn cầu năm 2023 (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) giảm xuống còn 4.448,4 tấn, giảm 5,3% so với năm 2022 (Biểu đồ 3). Tuy nhiên, khi gộp cả nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC) và các nguồn khác, tổng nhu cầu về vàng đã tăng lên mức kỷ lục hàng năm mới là 4.899,8 tấn, cao hơn năm 2022 khoảng 3,1%.
Cụ thể, trong khi nhu cầu vàng ở tất cả các lĩnh vực đều có sự suy giảm trong năm 2023 (Chế tạo trang sức giảm 1,2%; Công nghệ, thiết bị điện tử giảm 3,5%; Đầu tư giảm 15,1%; NHTW mua ròng giảm 4,1%) thì nhu cầu từ thị trường OTC và các nguồn khác lại tăng tới 752,7% so với năm 2022. Đầu tư từ nguồn nhu cầu không chính thống này đã đẩy giá vàng trung bình hàng năm trong năm 2023 lên mức cao nhất trong lịch sử. Cụ thể, giá vàng trung bình năm 2023 là 1.940,54 USD/ounce, cao hơn 7,8% so với năm 2022.
Thứ ba, xung đột địa chính trị vẫn diễn ra căng thẳng trên phạm vi toàn cầu khiến nhu cầu đối với các loại tài sản trú ẩn liên tục gia tăng. Cuộc xung đột của Nga – Ukraine và mới đây nhất là xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi tình trạng bất ổn sau đại dịch COVID-19.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ai Cập, Qatar và Israel về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có tiến triển. Thậm chí, lãnh đạo Hezbollah cho rằng cuộc chiến chống lại Israel sẽ còn leo thang hơn nữa. Tại Biển Đỏ, mối đe dọa với các tàu vận chuyển hàng hóa vẫn hiện hữu trước sự quấy rối của lực lượng Houthi. Theo đó, xung đột và căng thẳng địa chính trị có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu xung đột kéo dài và lan rộng, có thể gây ra sự không chắc chắn và gia tăng lo ngại cho các nhà đầu tư. Điều này làm tăng nhu cầu mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn và đẩy giá vàng tăng mạnh.
Tổng quát lại, với bối cảnh, chính sách tiền tệ của Fed có tín hiệu đảo chiều, nhu cầu vàng của thế giới vẫn liên tục tăng kết hợp với tình hình xung đột địa chính trị, biến động kinh tế thế giới vẫn tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cho thấy giá vàng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục gia tăng trong khoảng thời gian sắp tới.