Giá vàng SJC, DOJI, PNJ, 9999, 24K, 18K hôm nay 20/5 mới nhất

BNEWS/TTXVN liên tục cập nhật giá vàng thế giới, giá vàng trong nước các thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu, vàng Rồng Thăng Long; giá vàng SJC, giá vàng DOJI, giá vàng PNJ, 9999, 24K, 18K...

Mua bán vàng tại Công ty kinh doanh vàng bạc Mạnh Hải, phố Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Mua bán vàng tại Công ty kinh doanh vàng bạc Mạnh Hải, phố Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Giá vàng 9999, 24K, 18K, 14K, 10K, vàng SJC, DOJI, PNJ hôm nay 20/5 tăng hay giảm? Giá vàng hôm nay 20/5 bao nhiêu một lượng? Dự báo giá vàng.

Dưới đây là bảng giá vàng hôm nay được cập nhật mới nhất từ Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu:

Giá vàng Việt Nam

Diễn biến thị trường tuần qua, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, việc đầu tư vàng vẫn đang là kênh mà người dân lựa chọn nên đã đẩy nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá kim loại quý này cũng tăng cao dẫn đến trong nước có thời điểm giá vàng SJC đạt mốc 92 triệu đồng/lượng do hiệu ứng tâm lý đám đông.

Điều này khiến tạo áp lực lên cung - cầu vàng trong nước. Trên thị trường, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đang niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,70 - 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87,70 - 89,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước; Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87,85 - 90,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 850 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Nhằm tăng nguồn cung, ổn định thị trường thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng. Trong gần 1 tháng, đã có 7 phiên đấu thầu được tổ chức; tuy có tới 3 phiên bị hủy nhưng đã có tổng cộng 27.200 lượng vàng miếng SJC được doanh nghiệp chốt thầu thành công.

Đáng chú ý, kết quả tại các phiên đấu thầu sau luôn có số lượng đơn vị tham gia và khối lượng trúng thầu vàng nhiều hơn phiên trước, đáp ứng đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường. Tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024, với khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và tối đa là 4.000 lượng. Tổng khối lượng vàng đấu thầu vẫn ở mức 16.800 lượng mỗi phiên.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, rút kinh nghiệm từ các lần đấu thầu không thành công trước, cơ quan quản lý đã nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu. Việc điều chỉnh này đã giúp các phiên đấu thầu gần đây tăng cao về số thành viên dự thầu và đạt tỷ lệ chốt thầu tốt hơn, gia tăng quy mô cung vàng ra thị trường. Tuy nhiên, giá vàng đấu thầu vẫn ở mức chênh lệch cao so với giá vàng thế giới.

Theo các chuyên gia, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, giải pháp căn cốt cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; trong đó, cần xóa bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước nhiều sự lựa chọn: Một là tiếp tục, hai là ngừng đấu thầu và ba là tổ chức đấu thầu vàng với những yêu cầu, điều kiện, giá... phù hợp với bối cảnh thị trường và mục tiêu của Nhà nước. Và để làm được điều này, cần có một cuộc họp liên ngành giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các ngân hàng để tìm kiếm mục tiêu chung trong vấn đề tổ chức đấu thầu, quản lý thị trường vàng.

“Tuy nhiên, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, còn trong thời gian tới, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay”.

Đồng tình quan điểm, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho hay, trong lúc thị trường thiếu nguồn cung như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần nhập khẩu vàng để bổ sung nguồn cung ngay. Chuyên gia này đề nghị, nên cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo 1 hạn mức nhất định và quản lý là giá vàng bán ra với tỷ lệ chênh lệch bao nhiêu, tổng lượng ngoại hối để chi trả cho việc nhập khẩu vàng so với tổng dự trữ quốc gia là bao nhiêu.

Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể phân bổ 1 tỷ lệ nhất định nào đó trong dự trữ ngoại hối quốc gia để hỗ trợ các nhà kinh doanh nhập khẩu vàng. Có như vậy, mới giải quyết triệt để tình trạng giá vàng "ngất ngưởng" như hiện nay.

Tại Phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra đầu tuần, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng; khắc phục tình trạng vàng miếng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, trước năm 2012, những bất cập của thị trường đặt ra yêu cầu cấp thiết phải ban hành quy định mới. Trên cơ sở đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã ra đời. Sau khi triển khai các biện pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, thị trường vàng đã tương đối ổn định.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, cụ thể là từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia tiếp tục phát sinh và leo thang dẫn đến giá vàng quốc tế tăng mạnh, khiến giá vàng trong nước tăng theo. Đặc biệt, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ sự hạn chế, cụ thể là chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước với giá vàng quốc tế thường xuyên giữ ở mức cao.

Phó Thống đốc chỉ ra, nguyên nhân là do giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Đến ngày 13/5, giá vàng thế giới tăng khoảng 14% so với đầu năm, trong nước giá vàng cũng tiếp tục tăng theo giá thế giới. Ngoài ra, nguồn cung trong nước hạn chế khiến giá vàng trong nước ở mức chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế.

Để khắc phục tình trạng giá vàng chênh lệch cao so với thế giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế.

Về các biện pháp hỗ trợ quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo đối với các chi nhánh tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật như hóa đơn chứng từ về thanh toán, kiểm soát các giao dịch mua bán theo đúng quy định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc các biện pháp khác để ổn định giá vàng và thị trường tiền tệ. Một trong những biện pháp có thể là điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, bao gồm việc điều chỉnh lãi suất để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Cùng đó là việc việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kiểm soát đầu cơ và thao túng giá vàng cũng là cần thiết.

Giá vàng thế giới

Thị trường kim loại quý đã ghi nhận một trong những tuần giao dịch mạnh mẽ nhất trong tuần qua, sau khi một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố, đi kèm với những tín hiệu chính sách nhất định từ phía Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng khởi động tuần mới với mức giá 2.361,17 USD/ounce. Ngày 14/5, báo cáo trái chiều về Chỉ số Giá sản xuất (PPI) được công bố. Tuy nhiên, thị trường lại chú ý nhiều hơn đến bình luận từ phía Chủ tịch Fed Jerome Powell, nhận định ngân hàng trung ương có thể sẽ không cần phải tiếp tục tăng lãi suất. Giá vàng sau đó chuyển biến tích cực trong phiên 15/5 và chạm mốc 2.400 USD/ounce, sau khi báo cáo về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4/2024 cho thấy sự cải thiện so với tháng trước đó. Sau khi chạm đỉnh 2.400 USD/ounce lần thứ 3, giá vàng quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch sau đó. Tuy nhiên đến phiên 17/5, thị trường vàng lại tiếp tục tăng. Cuộc khảo sát hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, phần lớn các chuyên gia trong ngành đều tin rằng giá vàng có thể đạt hoặc vượt mức cao nhất mọi thời đại, trong khi các nhà giao dịch bán lẻ lại tỏ ra thận trọng hơn một chút về triển vọng của kim loại quý này. Giám đốc chiến lược thị trường tại cơ quan quản lý tài sản SIA Wealth Management Colin Cieszynski cho biết: “Tôi lạc quan về diễn biến của thị trường vàng trong tuần tới”. Chuyên gia này khẳng định: “Đồng USD đang giảm giá và lãi suất trái phiếu kho bạc cũng giảm. Ngoài ra, nếu giá vàng vượt qua ngưỡng kháng cự 2.400 USD/ounce, về mặt kỹ thuật, điều đó có thể mở ra cơ hội cho một cuộc đua tiềm năng lên mức lớn hơn là 2.500 USD/ounce”. Ông James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com, cũng tin rằng vàng sẽ tiếp tục tăng giá hơn nữa trong thời gian tới. Ông nói: “Tuần này phe kỳ vọng tăng giá đã thể hiện rõ ràng” và giá vàng có thể leo lên mức 2.500 USD/ounce. Chủ tịch Adrian Day Asset Management Adrian Day cho biết: “Khả năng phục hồi của vàng rất ấn tượng và sớm muộn gì kim loại quý này cũng sẽ vượt qua mức giá 2.400 USD/ounce”. Ông Adam Button, người đứng đầu mảng chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com, nhận định: “Các thế lực mua vàng đang xuất hiện ngày một nhiều”. Theo chuyên gia này, đà tăng giá của vàng xuất hiện từ Trung Quốc. Các dữ liệu gần đây đều cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn khu vực Trung Đông cũng đều đang mua vàng. Bên cạnh đó, ông Adam Button cũng cho rằng cuộc gặp trong tuần qua giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Trung Quốc Tập Cận Bình cũng mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường vàng. Tuần này, 14 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát về vàng của Kitco News và các kết quả đều cho thấy tâm lý lạc quan vẫn đang thống trị. 11 chuyên gia trong số này, tương đương 79% số người được hỏi, cho thấy họ tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao hơn vào tuần tới. Trong khi đó, chỉ có hai nhà phân tích, tương đương 14%, dự đoán giá sẽ giảm và một chuyên gia duy nhất, chiếm 7% tổng số, nhận thấy vàng có xu hướng đi ngang trong tuần tới. Trong khi đó, 144 câu trả lời đã được ghi nhận trong cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco đối với các nhà đầu tư ở Main Street. Kết quả cũng cho thấy sự tích cực nhưng không ở mức độ tương tự. 83 nhà giao dịch bán lẻ, tương đương 58%, kỳ vọng giá vàng sẽ tăng vào tuần tới trong khi 30 người khác, tương đương 21%, dự đoán giá sẽ lùi về mức thấp hơn và 31 người được hỏi, chiếm 21%, kỳ vọng kim loại quý này sẽ duy trì ổn định trong tuần tới. Sau loạt dữ liệu về lạm phát được công bố trong tuần qua, thị trường sẽ đón nhận báo cáo doanh số bán nhà của Mỹ trong tháng Tư vào ngày 22/5, cùng với biên bản của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC). Từ sau đó đến cuối tuần, lần lượt báo cáo về chỉ số PMI ngành dịch vụ và sản xuất của S&P, báo cáo việc làm hàng tuần và báo cáo về hàng hóa lâu bền cũng sẽ được công bố.

Phú Vinh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-vang-sjc-doji-pnj-9999-24k-18k-hom-nay-20-5-moi-nhat/333639.html