Vải trứng Hưng Yên đắt khách

Những ngày này, người trồng vải trứng Hưng Yên đang bước vào vụ thu hoạch. Dù được bán với giá khá cao, từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg nhưng với ưu thế quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm, cộng với việc các 'thủ phủ' vải trên cả nước mất mùa, vải trứng Hưng Yên được đông đảo khách hàng ưa chuộng.

Vải trứng Hưng Yên với ưu thế, quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Vải trứng Hưng Yên với ưu thế, quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Cùng với thương hiệu vải lai chín sớm, những năm gần đây, từ khóa "vải trứng Hưng Yên" được khá nhiều người tiêu dùng tìm kiếm vì tên gọi độc đáo của loại quả này.

Cây vải trứng Hưng Yên có nguồn gốc từ cây vải tổ của gia đình ông Nguyễn Văn Vì, ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ. Do hợp thổ nhưỡng nên cây vải này năm nào cũng cho quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm đặc biệt khác hẳn các loại vải khác. Từ cây vải này, đến nay, cây vải trứng Hưng Yên được trồng chủ yếu ở huyện Phù Cừ và một phần diện tích của huyện Ân Thi.

Ông Nguyễn Văn Vì chia sẻ, quả từ cây vải Tổ đỏ hơn hẳn các cây khác, trái to, có hình dạng giống quả trứng, nặng trĩu trên cành nên được đặt tên là vải trứng. Vải trứng có vỏ mỏng, cùi dày, bóc không ướt tay nhưng đầy mọng thứ nước thơm, ngọt thanh, độc đáo không nơi đâu có được. Tiếng lành đồn xa, có nhiều thương lái đến tìm mua vải trứng, đến năm 1993, gia đình ông đã chiết, nhân rộng được hơn 30 gốc vải tại vườn nhà. Sau đó, những cây vải trứng được người dân trong xã Phan Sào Nam nhân rộng và trở thành đặc sản riêng có của mảnh đất này.

Theo những người trồng vải trứng, năm nay, thời tiết khắc nghiệt khiến sản lượng vải giảm nhưng bù lại giá giữ mức ổn định từ 120.000-150.000 đồng/kg. Ngay từ đầu vụ có rất đông thương lái, doanh nghiệp và du khách đến tận vườn tìm mua vải trứng.

Đọc được thông tin trên báo chí về loại quả có tên "vải trứng" nên ông Choeng chak chun, đến từ Hong Kong (Trung Quốc), hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Hải Dương rất tò mò. Tranh thủ ngày nghỉ, ông cùng bạn bè đã đến xã Phan Sào Nam để tìm mua vải trứng. Ông Choeng chak chun chia sẻ: "Được tận tay hái những quả vải to, chín mọng và thưởng thức những quả vải tươi ngay tại vườn, đây có lẽ là kỷ niệm khó quên đối với chúng tôi. Quả thực vải ở đây nhìn rất thích mắt, hương vị thật là tuyệt vời".

Người dân thu hoạch vải trứng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Người dân thu hoạch vải trứng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, hợp tác xã hiện có trên 60 ha vải trứng được trồng theo quy trình VietGAP, sản lượng ước đạt 100 tấn. Mặc dù, năm nay sản lượng quả không được như mọi năm, nhưng hợp tác xã vẫn giữ mức giá ổn định từ 120.000-150.000/kg, kiên quyết không tăng giá. Vì vậy, toàn bộ sản lượng vải của hợp tác xã đã được các doanh nghiệp, thương lái đặt mua.

Vải trứng ngày càng được nâng cao chất lượng với quy trình canh tác an toàn hướng tới hữu cơ. Đặc biệt, vải trứng Hưng Yên quả to, vỏ đỏ, ngọt thơm và thanh mát đặc trưng luôn được những người "sành ăn" tìm mua.

Do đó, dù quả vải trứng giá cao gấp nhiều lần so với loại vải thông thường, nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, mua làm quà biếu, ông Quyết chia sẻ.

Hiện tỉnh Hưng Yên có trên 1.300 ha vải, tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Cừ, Ân Thi, với sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn; trong đó, vải trứng có khoảng 350 ha, với sản lượng trên 250 tấn. Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2020 và được Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích vải lớn nhất tỉnh với 1.200 ha, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ với 850 ha và vải trứng Hưng Yên có 350 ha, được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy cho biết, niên vụ 2024, vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên cho thu hoạch rộ từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6, sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 10-15 ngày. Sản lượng vải quả năm 2024 toàn huyện ước đạt từ 13.500-14.000 tấn.

Người dân kiểm tra vải trứng trước khi xuất bán. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Người dân kiểm tra vải trứng trước khi xuất bán. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ, để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm vải quả tươi, những năm qua, huyện chủ động tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải; hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã tiêu biểu tham gia các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản do tỉnh tổ chức. Đây là cơ hội để các nhà vườn và hợp tác xã trong huyện thúc đẩy sản xuất, tiếp cận thêm nhiều đầu mối cung ứng, phân phối nông sản đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì thế, những năm qua, vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên luôn được các doanh nghiệp, thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng.

Thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi; trong đó, trọng tâm là chuyển đổi mạnh sang trồng cây trồng chủ lực là vải trứng Hưng Yên tại các xã phía Bắc và trồng vải lai chín sớm tại các xã phía Nam.

Cùng đó, huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm. Đồng thời, huyện sẽ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ông Vũ Xuân Thủy cho biết thêm.

Theo Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ Nguyễn Hữu Long, để giữ thương hiệu vải trứng, thời gian tới, địa phương tiếp tục đầu tư cho đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương tiêu thoát nước phục vụ cho vùng vải. Đồng thời, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật vào canh tác để giữ gìn thương hiệu vải trứng Hưng Yên.

Quang Nhiều (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/vai-trung-hung-yen-dat-khach-20240602183519699.htm