Giá vàng SJC ở Hải Dương tăng 'dựng đứng', có khách muốn mua 10 lượng
Sáng 10/5, tại thị trường Hải Dương, giá vàng SJC chưa ngừng đà tăng 'thẳng đứng'.
Khảo sát của phóng viên Báo Hải Dương tại 3 cửa hàng được phép kinh doanh vàng miếng SJC trên địa bàn TP Hải Dương là PNJ, Bảo Tín Mạnh Hải và Doji, thời điểm 13 giờ 30 ngày 10/5, mỗi lượng kim loại quý này được bán ra ở mức 92 triệu đồng, mua vào quanh mức 89,8 triệu đồng. So với giá mở phiên giao dịch sáng cùng ngày, tăng trung bình 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Khoảng cách chênh lệch giữa giá bán ra-mua vào nới rộng từ mức 1,95 triệu đồng/lượng lên mức 2,2 triệu đồng/lượng.
So với giá giao dịch chốt phiên cuối ngày 9/5, là ngày Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng thành công lần thứ 2 (trong tổng số 5 phiên đấu thầu từ ngày 22/4 trở lại đây), mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 2,5 triệu đồng chiều bán ra, tăng 2,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào.
So với mức giá giao dịch ngày vía Thần Tài 2024 (ngày 19/2), mỗi lượng vàng miếng SJC hiện tăng 13,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 14,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Nếu người dân mua vàng trong ngày vía Thần Tài 2024 và bán ra ngày hôm nay sẽ lãi 11,5 triệu đồng/lượng.
Đến thời điểm 16 giờ cùng ngày, giá vàng SJC tại Hải Dương được bán ra ở mức 92,2 triệu đồng/lượng, mua vào 89,9 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào so với thời điểm 13 giờ 30.
Sáng 10/5, trong bối cảnh giá vàng miếng SJC chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", 3 cửa hàng nói trên ghi nhận trung bình 10 khách hàng giao dịch mua vàng thành công, không có khách hàng bán vàng. Khách hàng có giao dịch lớn nhất ở mức 3 lượng vàng, thấp nhất 1 lượng vàng. Cá biệt có khách hàng có nhu cầu mua 10 lượng vàng. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát nói trên, cả 3 cửa hàng đều trong tình trạng "không có vàng SJC để bán".
Trước đó, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, được ban hành ngày 7/5, Chính phủ đánh giá quản lý thị trường vàng thời gian qua còn bất cập, giá trong nước và quốc tế chênh cao. Điều này ảnh hưởng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện kịp thời hơn các giải pháp quản lý và kiểm soát chặt giao dịch thị trường. Cơ quan này cần xử lý ngay tình trạng chênh cao giữa trong nước và quốc tế, cũng như buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá.
Chỉ đạo này nhiều lần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra với ngành ngân hàng trong bối cảnh giá kim loại quý này tăng vọt, bất chấp nhà điều hành đấu thầu tăng cung cho thị trường.
Với mức giá vượt 92 triệu đồng/ lượng, chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế ở mức khoảng 18,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.