Giá vàng tăng phi mã sau thảm họa SVB

Dòng tiền trú ẩn an toàn đổ xô vào vàng sau vụ sụp đổ lớn thứ 2 lịch sử ngân hàng Mỹ. Điều này đẩy giá vàng tăng vọt.

Theo dữ liệu của Kitco.com, giá vàng giao ngay trên sàn New York đã vọt lên 1.913 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong vòng hơn một tháng sau vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử ngân hàng Mỹ.

Kim loại quý bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh USD lao dốc mạnh và dòng tiền đổ xô vào nơi trú ẩn an toàn.

"Các thị trường tin rằng vào thời điểm này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó tăng lãi suất mạnh tay như những gì được dự báo cách đây vài ngày", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Markets.com (London, Anh) - trả lời Zing.

Giá vàng vọt lên mức cao nhất hơn một tháng. Ảnh: Kitco.com.

Fed khó tăng lãi suất mạnh tay

Mới đây, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ khó tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 22/3 do những căng thẳng đang đè nặng lên lĩnh vực ngân hàng nước này.

Trước đó, ngân hàng này dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3.

Ngành ngân hàng Mỹ đang chao đảo vì vụ vỡ nợ của Silicon Valley Bank (SVB) - nhà băng được coi là xương sống của giới startup công nghệ Mỹ. Cổ phiếu của SVB bị tạm dừng giao dịch vào ngày 10/3.

Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã thành lập một ngân hàng mới để thu giữ tài sản của SVB và đang chạy đua để bán tài sản của ngân hàng này nhằm trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng.

Rắc rối của SVB đến từ các đợt tăng lãi suất ồ ạt của Fed. Trở lại thời kỳ đại dịch, các công ty được rót vốn mạo hiểm đã huy động được 330 tỷ USD vào năm 2021 trong giai đoạn tiền rẻ.

 Giới đầu tư tin rằng Fed khó tăng lãi suất mạnh tay sau thảm họa SVB. Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư tin rằng Fed khó tăng lãi suất mạnh tay sau thảm họa SVB. Ảnh: Reuters.

SVB đã nhận hàng chục tỷ USD từ các khách hàng của mình. Đáng nói, nhà băng này chuyển thẳng số tiền đó vào trái phiếu dài hạn vì tin rằng lãi suất sẽ ổn định.

Nhưng khi Fed mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng của SVB buộc phải rút tiền gửi để duy trì hoạt động.

Để đối phó với làn sóng rút tiền, SVB buộc phải bán tài sản, chủ yếu là các trái phiếu đã mất phần lớn giá trị.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB làm dấy lên lo ngại về những tác động dây chuyền. Hôm 12/3, giới chức Mỹ tuyên bố đóng cửa thêm Signature Bank - một trong những nhà băng lớn của ngành công nghiệp tiền mã hóa.

USD lao dốc mạnh

Đồng bạc xanh chịu áp lực lớn khi giới đầu tư phán đoán rằng Fed khó mạnh tay tăng lãi suất trong bối cảnh các ngân hàng Mỹ đang lao đao. USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - giảm mạnh xuống 103,65 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1.

Giới quan sát cho rằng lúc này, vàng đã phát huy đúng vai trò của một tài sản trú ẩn an toàn. Trước khi SVB phá sản, thị trường kim loại quý chịu áp lực bán tháo lớn do các nhà đầu tư tin rằng Fed buộc phải "diều hâu" hơn nữa nhằm kìm hãm lạm phát.

Chỉ số USD tụt dốc mạnh. Ảnh: Trading Economics.

Chỉ số USD tụt dốc mạnh. Ảnh: Trading Economics.

Ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ vẫn còn nóng. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ trong tháng 1 đều cao hơn dự báo. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ và các dữ liệu về thị trường việc làm cho thấy sức chống chịu cao của nền kinh tế Mỹ.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần mới đây tại Đồi Capitol, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.

Thống đốc Fed Christopher Waller cũng cho biết loạt "dữ liệu nóng" về lạm phát có thể buộc ngân hàng trung ương đẩy lãi suất điều hành vượt mức 5,1-5,4% như dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-vang-tang-phi-ma-sau-tham-hoa-svb-post1411623.html