Giá vàng tăng sốc; ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục

Giá vàng tăng cao nhất trong 3 năm qua; Một ngân hàng lớn giảm lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục; Đề xuất dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trả nợ bảo hiểm xã hội... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Giá vàng tăng cao nhất trong 3 năm qua

Sáng 21/10, giá vàng trong nước bất ngờ tăng phi mã, vượt ngưỡng 71 triệu đồng/lượng, cao nhất trong 3 năm qua. Trong khi đó, vàng nhẫn tròn trơn tăng tới 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng phi mã, vượt mốc 71 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa: ST).

Giá vàng tăng phi mã, vượt mốc 71 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa: ST).

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 70,25 - 70,95 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng 2 chiều mua vào - bán ra. Giá nhẫn tròn trơn ở mức 58,1 - 59,1 triệu đồng/lượng, tăng 1.000.000 đồng/lượng.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 70,03 - 71,1 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra.

Hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng miếng SJC 70,03 - 70,08 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn 57,3 - 57,9 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng.

Đà tăng của vàng trong nước xuất phát từ việc giá vàng thế giới liên tiếp tăng. Dù giá vàng tăng mạnh nhưng tại cửa hàng vàng ở Hà Nội, số lượng người mua - bán vàng tương đương ngày thường.

Một ngân hàng lớn giảm lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục

Ngày 20/10, Vietcombank giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, đây là lần giảm thứ 3 trong vòng một tháng và đưa mức lãi suất này thấp nhất lịch sử.

Bảng lãi suất của Vietcombank áp dụng từ ngày 20/10.

Bảng lãi suất của Vietcombank áp dụng từ ngày 20/10.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3%/năm xuống còn 2,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,3% xuống 3,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm cũng giảm 0,2% xuống còn 4,1%/năm.

Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng chung một mức 5,1%/năm, giảm 0,2% so với trước. Đây cũng là lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank hiện nay.

Như vậy, Vietcombank đã có tới 3 lần giảm lãi suất trong hơn 1 tháng. Cụ thể, nhà băng này đã giảm 0,3% lãi suất tiền gửi từ ngày 14/9, sau đó tiếp tục giảm thêm 0,2% từ ngày 3/10. Tổng mức giảm lãi suất huy động trong 1 tháng qua lên tới 0,7%.

Mức lãi suất 5,1% hiện nay của Vietcombank đã là mức thấp nhất trong lịch sử của nhà băng này, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Cụ thể, Vietcombank đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.

Doanh nghiệp khất nợ trái phiếu, trái chủ mệt mỏi chờ

Trong 9 tháng đầu năm, có gần 70 doanh nghiệp chậm trả nợ 176.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp khất nợ khiến trái chủ khó khăn. Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, khiến thị trường trái phiếu có thể rơi vào trầm lắng nhiều hơn.

Thị trường bất động sản trầm lắng khiến DN gặp khó trong trả nợ TPDN. Trong ảnh, Dự án The Spirit of Saigon - tài sản đảm bảo phát hành TPDN nằm im. (Ảnh: PV).

Thị trường bất động sản trầm lắng khiến DN gặp khó trong trả nợ TPDN. Trong ảnh, Dự án The Spirit of Saigon - tài sản đảm bảo phát hành TPDN nằm im. (Ảnh: PV).

Là kênh huy động vốn của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ảm đạm. Rất nhiều nhà đầu tư mất niềm tin, bởi tình trạng DN liên tục khất nợ, dù đến hạn tất toán trái phiếu. Ông Nguyễn Quân (Hà Nội) cho biết, tháng 7/2020, ông chi 3 tỷ đồng mua TPDN do Công ty TNHH (gọi tắt Saigon Glory) phát hành. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu gồm 100% vốn góp Công ty TNHH Saigon Glory do Cty Bitexco thế chấp; công trình trên đất hình thành trong tương lai là Tháp A-Cấu phần khách sạn, văn phòng hình thành trên ô đất dự án.

“Tháng 7/2023 là thời điểm đáo hạn trái phiếu. Tôi cùng nhiều trái chủ khác kiến nghị nhưng DN phát hành không hợp tác, không thiện chí trong việc trả nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo để trả nợ. Trái chủ chúng tôi khó khăn vì dồn toàn bộ vốn liếng, của cải để đầu tư trái phiếu, đến nay không được trả nợ”, ông Quân phản ánh.

Trường hợp của Saigon Glory chỉ là một trong hàng chục DN chậm trả nợ trái phiếu cho trái chủ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 69 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. Ước tính, tổng dư nợ của DN khoảng 176.100 tỷ đồng. Phần lớn DN chậm trả nợ trái phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản.

Nửa cuối năm 2023, áp lực đáo hạn TPDN rất lớn. Trong quý 4/2023 dự kiến gần 54.000 tỷ đồng TPDN đến kỳ đáo hạn. Trong đó, DN bất động sản có khối lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất, chiếm khoảng 44% tổng số lượng trái phiếu đã phát hành, tiếp theo nhóm DN tài chính ngân hàng chiếm 39,5%.

Đề xuất dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trả nợ bảo hiểm xã hội

Cả nước có hơn 206 nghìn người lao động (NLĐ) bị nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BNTN) với số tiền gần 3,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức nợ bảo hiểm đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn nên không thể thu hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi NLĐ. Trước thực tế đó, BHXH Việt Nam vừa đề xuất sử dụng tiền kết dư từ quỹ BHTN để thanh toán số nợ trên.

Tình trạng nợ BHXH, BHTN kéo dài, đặc biệt là tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi NLĐ. Do doanh nghiệp không còn hoạt động, số nợ gần như “vô chủ” khiến nhiều NLĐ không thể chốt được sổ, xác nhận thời gian đóng để giải quyết chế độ như thất nghiệp, hưu trí, hoặc chuyển đóng ở đơn vị mới. Có NLĐ bị nợ từ năm 2008 tới nay, nhưng doanh nghiệp đã phá sản, nay không biết tìm ai để đòi.

Người lao động bị nợ BHXH, BHTN phải chật vật đi đòi. Ảnh: Dương Hưng

Người lao động bị nợ BHXH, BHTN phải chật vật đi đòi. Ảnh: Dương Hưng

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, BHXH Việt Nam cho rằng, với tiền nợ BHXH, BHTN khó có khả năng thu hồi từ năm 2021 về trước, nên cho phép xóa lãi chậm nộp (khoảng 914 tỷ đồng).

Với tiền nợ gốc hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, cơ quan này đề xuất dùng nguồn kết dư quỹ BHTN để trả. Do quỹ BHTN cũng hình thành từ tiền của NLĐ, doanh nghiệp, Nhà nước, nếu dùng quỹ này trả nợ vẫn đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và kết dư quỹ BHTN đủ lớn để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo BHXH Việt Nam nhìn nhận, giải pháp này không phù hợp với quy định hiện hành. Nếu thực hiện có thể dẫn tới khả năng doanh nghiệp chây ỳ đóng BHXH cho NLĐ; không thực sự đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng đóng bảo hiểm.

TPHCM: Khách sạn, đất vàng của doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát sắp đổi chủ

Công ty CP Bông Sen vừa công bố biên bản và nghị quyết họp đại hội cổ đông bất thường năm 2023. Tại đại hội, Hội đồng quản trị Bông Sen đã trình đại hội 4 tờ trình, gồm thay đổi điều lệ công ty, miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên mới cho Hội đồng quản trị, phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An, xử lý tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Trong tài sản đảm bảo mà Bông Sen đưa vào hồ sơ phát hành trái phiếu là cổ phần tại Công ty CP Daeha. Đây là số cổ phần sở hữu thuộc Công ty CP Hợp Thành 1 và Bông Sen hiện đang nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, hiện nay phía đối tác thực hiện dự án 152 Trần Phú, quận 5 của Bông Sen không thực hiện được những cam kết và nghĩa vụ trước đó đã đề ra nên công ty bị gián đoạn việc trả lãi cho trái chủ.

Ngoài ra, phía Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An đang làm việc về các nội dung trái phiếu, trong đó có trái phiếu của Bông Sen. Hiện nay, tổng dư nợ cả gốc lẫn lãi của lô trái phiếu này đã lên tới 5.468 tỷ đồng. Như vậy, cả tiền phạt lẫn tiền lãi chậm trả là 668 tỷ đồng.

Khách sạn Palace (56-66 Nguyễn Huệ, quận 1) là tài sản đảm bảo cho Công ty CP Bông Sen đưa vào hồ sơ phát hành trái phiếu.

Khách sạn Palace (56-66 Nguyễn Huệ, quận 1) là tài sản đảm bảo cho Công ty CP Bông Sen đưa vào hồ sơ phát hành trái phiếu.

Vì vậy, công ty xin Đại hội phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý trái phiếu. Những tài sản này gồm, phần vốn góp của bà Trần Thị Phơ tại Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, cổ phần của Công ty CP Daeha. Ngoài ra, còn có khách sạn Palace (56-66 Nguyễn Huệ, quận 1), khách sạn Bông Sen 2 (61-63 Hai Bà Trưng, quận 1), khu đất số 5 Nguyễn Thiệp (quận 1), khu đất số 24/24 Đông Du (quận 1), khu đất số 93-95-97 Đồng Khởi (quận 1).

“Những tài sản mà công ty vừa nêu đều nằm trong hồ sơ phát hành. Công ty cũng hiểu quyền lợi của cổ đông và sẽ ghi nhận những ý kiến mà các cổ đông đã đưa ra”, đại diện Công ty CP Bông Sen nói với cổ đông.

Thứ hai, về mối quan hệ giữa Bông Sen và Vạn Thịnh Phát , ban chủ tọa đại hội cho biết hiện nay Bông Sen đang nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến trái phiếu của Vạn Thịnh Phát mà Bộ Công an đã công bố. Tuy nhiên, về mối quan hệ, công ty sẽ thông tin đến cổ đông khi Bộ Công An có kết luận chính thức.

Dự kiến mức lương cơ bản của công chức, viên chức từ 1/7/2024

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Theo Nghị quyết 27, một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

Thay vào đó, xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau:

Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, lương cơ bản của công chức viên chức từ ngày 1/7/2024 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương) sẽ chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương.

Thông tin mới nhất việc EC thanh tra gỡ ‘thẻ vàng’ thủy sản

Ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã chia sẻ về những kết quả sơ bộ sau khi Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) kết thúc chuyến kiểm tra thực tế lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại một số tỉnh miền Trung.

Về kết quả chính thức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn thanh tra phải báo cáo với Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản của EC, việc gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam lúc đó mới có kết luận.

Tuy nhiên, từ nay đến lần kiểm tra tiếp theo (dự kiến tháng 5-6/2024), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên liên tục và đồng bộ các giải pháp Việt Nam mới có khả năng gỡ “thẻ vàng”.

“Các tỉnh có hệ thống kết nối với thiết bị VMS phải trực 24/24 để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối. Đặc biệt là thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bộ NN&PTNT sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, đồng thời tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại địa phương”, Thứ trưởng Tiến cho hay.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-vang-tang-soc-ngan-hang-giam-lai-suat-tiet-kiem-thap-ky-luc-post1580232.tpo