Giá vàng tăng thẳng đứng
Chạm ngưỡng 55 triệu đồng/ lượng trong phiên sáng. Đến phiên giao dịch chiều ngày 24/7, giá vàng tiến sát mốc 57 triệu đồng/ lượng. Nhiều người dân tỏ ra sốt ruột với giá vàng. Trong khi đó, giới chuyên gia, cũng như phía cơ quan quản lý khuyến cáo người dân bình tĩnh với vàng.
Ngày 24/7, giá vàng trong nước tại các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý niêm yết vượt mốc 56 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giao dịch ở mức 54,4 – 56,4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó giá vàng thế giới giao dịch ở mốc 1884.3 USD/ounce tương đương 52,82 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu so sánh thì giá vàng trong nước đang vượt xa giá vàng thế giới.
Vẫn tiếp tục tăng?
Giá vàng tăng cao trong những phiên gần đây khiến nhiều người dân không khỏi nóng ruột. Ghi nhận từ thị trường cho biết, khi giá vàng tăng kỷ lục tại một số cửa hàng vàng lớn ở Hà Nội, lượng khách mua - bán có tăng, xuất hiện cảnh ngồi xếp hàng chờ bán, tuy nhiên không quá đột biến.
Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách hàng tham gia mua - bán vàng tại doanh nghiệp này tăng cao hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Tại các chi nhánh kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu lượng khách mua vào và lượng khách bán ra có tỉ lệ (50% khách mua vào và 50% khách bán ra).
Còn đại diện DOJI cho biết, trong những phiên giá vàng tăng cao đột biến, lượng khách mua - bán vàng nhiều hơn nhưng doanh nghiệp cho biết, không quá biến động. Tỷ lệ giao dịch mua - bán cũng ngang bằng nhau.
Nguyên nhân giá vàng tăng cũng được mổ xẻ khá kỹ. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng làm kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Trong lúc bất ổn về kinh tế, các nhà đầu tư thế giới sẽ trú ẩn vào vàng khiến nhu cầu vàng tăng, đó là lý do vàng lên.
Bên cạnh đó, cũng do dịch bệnh, các ngân hàng trung ương, chính phủ... đều có chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, đưa ra những gói kích thích kinh tế rất lớn lên đến hàng nghìn tỷ USD. Như vậy, lượng tiền mặt tung ra thị trường rất lớn, khiến lạm phát tăng cao. Khi lạm phát tăng thì vàng được coi là công cụ chống lạm phát, các nhà đầu tư cũng sẽ tìm đến vàng.
Vậy giá vàng sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới? Ông Phan Dũng Khánh- Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng dự báo khả năng giá vàng sẽ lên 60-70 triệu/lượng, nhưng có thể chưa phải trong ngắn hạn mà trong vòng 1 năm tới, hoặc lâu hơn một chút.
Trong khi đó ông Huỳnh Trung Khánh- Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, ít nhất đến khi dịch Covid-19 được khống chế, nhưng sẽ lên theo hình răng cưa - tức là theo quỹ đạo: lên - điều chỉnh - lên.
Thận trọng khi đầu tư
Tuy nhiên trong bối cảnh giá vàng tăng thẳng đứng, điều đáng quan tâm là các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng kim loại quý giữ khoảng cách giá bán rá – giá mua vào khá lớn, từ 1,5 – 2 triệu đồng/ lượng. Điều này có nghĩa là, khi giá vàng tăng nhanh nhưng giá bán ra được doanh nghiệp vàng đẩy tăng nhanh hơn giá mua vào, nên rủi ro cho nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói: “Quan điểm của tôi là nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vàng vào lúc này. Đặc biệt, việc đầu tư lướt sóng chỉ dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, các quỹ đầu tư… họ muốn bảo toàn vốn, đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Còn người dân mà có khoản tiền tiết kiệm đưa ra lướt sóng vàng thời điểm này thì rất rủi ro. Còn nếu mua như một cách tiết kiệm, bảo toàn tiền hoặc mua đầu tư dài hạn thì lại là vấn đề khác”.
Giới chuyên gia cho rằng, người dân phải rất thận trọng khi đầu tư vào vàng, vì mọi thứ liên quan đến vàng diễn biến rất nhanh. Giá tăng nhanh nhưng cũng có thể đảo chiều. Vì vậy, trước khi có quyết định mua hay bán phải tính toán kỹ lưỡng.
Theo ông Phan Dũng Khánh, những người chưa có vàng thì nên đợi nhịp giảm rồi hãy mua. Giá bán vàng được các nhà vàng đẩy tăng rất nhanh, song giá họ mua vào lại tăng rất chậm, nên nếu đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nguy cơ lỗ nặng.
Có hay không chuyện “cá mập” ôm vàng?
Cũng từ diễn biến thị trường vàng trong nước, khi giá trong nước tăng cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới, nhiều câu hỏi được đặt ra. Phải chăng có những “cá mập” ôm vàng, khiến cho giá vàng trong nước tăng sốc. Chưa kể, như báo Đại Đoàn Kết trong số trước cũng đã đề cập, khi giá vàng tăng, sẽ kích thích tâm lý đầu cơ từ người dân.
Còn ông Huỳnh Trung Khánh nói các quỹ đầu tư đang liên tục mua vàng và mua rất nhiều. Họ mua nhiều không hẳn vì giá vàng lên mà họ thấy rủi ro trong các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, dầu… nên họ giảm những cái đó để tăng vàng lên. Trên bình diện quy mô toàn cầu, nếu họ chỉ tăng 1 - 2% thôi thì cũng đã tác động đến giá vàng rất nhiều. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh thời gian qua.
Ông Khánh cho rằng, nhà đầu tư mua vào rồi cũng đến lúc phải bán ra, lúc đó giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, thời điểm bán ra sẽ được các nhà đầu tư tính toán làm sao có lợi nhất.
Thống kê của Hội đồng Vàng thế giới năm 2019 cho thấy, lượng mua vàng của các Ngân hàng Trung ương ước tính gần 700 tấn - mức mua vào nhiều nhất trong vòng 60 năm qua. Đặc biệt, các năm trước, hầu như chỉ có các định chế tài chính, các quỹ đầu tư ở khu vực Bắc Mỹ mua vàng, thì thời gian gần đây, làn sóng mua vàng lan sang cả khu vực châu Âu, châu Á, châu Phi.
Từ năm 2019 trở lại đây, ngoài Ngân hàng Trung ương các quốc gia, các định chế tài chính, ngân hàng mua vào ngày càng nhiều và lan nhanh. Riêng các quỹ ETF vàng đã có 7 tháng mua ròng liên tục, tính đến tháng 6/220 - một chu kỳ mua ròng dài nhất lịch sử.
Một điểm đặc biệt nữa, là gần như tất cả định chế tài chính, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hầu như không có ý định bán vàng. Khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới năm 2019 cho thấy, hơn 50% Ngân hàng Trung ương các nước không có kế hoạch bán vàng trong vòng 5 năm tới.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng: “Quan điểm của tôi là nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vàng vào lúc này. Đặc biệt, việc đầu tư lướt sóng chỉ dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, các quỹ đầu tư… họ muốn bảo toàn vốn, đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Còn người dân mà có khoản tiền tiết kiệm đưa ra lướt sóng vàng thời điểm này thì rất rủi ro. Còn nếu mua như một cách tiết kiệm, bảo toàn tiền hoặc mua đầu tư dài hạn thì lại là vấn đề khác”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-vang-tang-thang-dung-502022.html