Giá vàng tiếp tục rớt mạnh

Giá vàng vừa rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Ngay cả rủi ro Mỹ vỡ nợ cũng không thể hỗ trợ kim loại quý.

Giá vàng thế giới vừa rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3. Cụ thể, theo dữ liệu của Trading Economics, giá của kim loại quý vừa giảm một mạch từ 1.982 USD/ounce xuống 1.954,3 USD/ounce trong vỏn vẹn 24 giờ.

Đây là mức giá thấp chưa từng thấy của kim loại quý kể từ ngày 22/3.

Đà giảm của giá vàng ngày càng nghiêm trọng vì những dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới chống chịu tốt hơn dự kiến. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải duy trì thái độ "diều hâu".

Giá vàng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Ảnh: Trading Economics.

Giá vàng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Ảnh: Trading Economics.

Thị trường mất niềm tin

Niềm tin của thị trường vào việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đã sụt giảm đáng kể. Theo dữ liệu của CME FedWatch Tool, cách đây chỉ một tuần, các thị trường định giá khả năng Fed dừng tăng lãi suất là 89,3%. Nhưng đến nay, tỷ lệ này giảm chỉ còn 34,4%.

Các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất lên tới 34,4%, tăng vọt từ tỷ lệ 10,7% ngày 11/5 (cách đây một tuần) và 28,4% ngày 17/5.

Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải tăng lãi suất để hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế, chi tiêu tiêu dùng và việc làm. Trong vòng hơn một năm qua, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp.

Các đợt tăng lãi suất dồn dập đã đè nặng lên giá vàng. Kim loại quý bị bán tháo ồ ạt sau khi tăng vọt do những bất ổn liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

Lãi suất điều hành tăng cao sẽ gây áp lực lên vàng, từ đó khiến dòng tiền đầu tư chảy khỏi loại tài sản này. Bởi lãi suất đi lên cũng kéo theo chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản trú ẩn an toàn và không được trả lãi.

Rủi ro vỡ nợ của Mỹ

Trong khi đó, vàng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ các dữ liệu kinh tế mới nhất. Hy vọng về một cuộc hạ cánh an toàn vẫn còn treo lơ lửng. Điều đó ngăn cản giới đầu tư đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ đã tăng 0,4% trong tháng 4 sau 2 tháng sụt giảm. Điều này cho thấy sức mạnh chi tiêu vẫn đang thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

"Dữ liệu doanh số bán lẻ trong tháng 4 cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế. Người tiêu dùng đang ưu tiên du lịch và trải nghiệm, chẳng hạn ăn ở nhà hàng", bà Natalie Kotlyar tại BDO bình luận.

Hơn nữa, thị trường việc làm của Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Điều này thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Mỹ đã có thêm 253.000 việc làm trong tháng 4. Thu nhập trung bình mỗi giờ cũng tăng 0,5% lên 33,36 USD.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 53 năm vào tháng 3.

Vàng đáng lẽ sẽ được hỗ trợ trước rủi ro vỡ nợ của chính phủ Mỹ. Trong trường hợp Mỹ vỡ nợ, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vàng vẫn là kênh trú ẩn lâu đời và an toàn nhất.

Nhưng mới đây, nói với CNBC, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy khẳng định ông không tin rằng Mỹ sẽ vỡ nợ. Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ niềm tin về việc các nhà lập pháp sẽ cùng nhau đạt được thỏa thuận và tránh một vụ vỡ nợ.

Tổng thống Mỹ đã rút ngắn chuyến đi đến châu Á và sẽ về nước vào chủ nhật. Các nhà giao dịch tin rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận ở thời điểm đó.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-vang-tiep-tuc-rot-manh-post1432450.html