Giá vàng tiếp tục tăng, tiến sát 70 triệu đồng/lượng
Giá vàng SJC trong nước tiếp tục tăng, tiến sát 70 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng mạnh giá vàng SJC thêm 400 nghìn đồng mỗi lượng chiều mua vào, tăng 350 nghìn đồng mỗi lượng chiều bán ra. Theo đó, mức giá niêm yết tại doanh nghiệp này đang là 69,20 – 69,85 triệu đồng/lượng tại TP.HCM; 69,25 – 69,87 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.
Trên thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang niêm yết giá vàng SJC chiều mua vào quanh mức 69,20 triệu đồng/lượng; chiều bán ra quanh 69,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước được hưởng lợi từ đà tăng của vàng thế giới. Trong phiên giao dịch tại thị trường Mỹ đêm qua theo giờ Việt Nam, kim loại quý này đã chốt phiên với mức tăng hơn 12 USD mỗ ounce, lên trên 1.966 USD/ounce. Đà tăng được tiếp nối tại thị trường châu Á sáng nay và giá vàng đang giao dịch quanh 1.970,5 USD/ounce.
Giá vàng đã được đẩy lên mức cao nhất trong 4 tuần vào thứ Ba (đêm qua giờ Việt Nam) sau dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ. Theo công bố về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cho thấy lạm phát đã tăng 8,5% trong tháng 3, cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Hai, Joe Foster, Giám đốc danh mục đầu tư và Imaru Casanova, Phó giám đốc danh mục đầu tư, phụ trách chiến lược vàng của Quỹ ETF VanEck, cho biết mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tìm cách tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay, bao gồm hai đợt tăng 50 điểm cơ bản tại hai cuộc họp tiếp theo, thì lạm phát gia tăng vẫn sẽ tiếp tục giữ lãi suất thực ở mức thấp cho đến hết năm 2022.
Các thị trường kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang thậm chí có thể quyết liệt hơn so với đề xuất trong biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3. Công cụ FedWatch của CME cho thấy thị trường đang định giá khả năng lãi suất sẽ tăng trên 3% vào cuối năm.
FED đang phải điều hướng trong vùng rất khó khăn, thậm chí còn trở nên khó khăn hơn bởi xung đột Nga với Ukraine và các nước phương Tây đang diễn ra. FED cần phải đủ quyết liệt để có cơ hội thực sự chống lại lạm phát, nhưng cũng phải đủ cẩn thận để không đưa nền kinh tế vào suy thoái.
Các chuyên gia VanEck cũng lưu ý rằng vàng theo truyền thống, thường hoạt động tốt trong một chu kỳ thắt chặt.
“Dựa trên lợi nhuận trung bình, vàng vượt trội hơn so với chứng khoán Mỹ (được đại diện bởi Chỉ số S&P 500 ) và đô la Mỹ (được đại diện bởi Chỉ số đô la Mỹ) trong 6 tháng và 12 tháng sau lần tăng đầu tiên của chu kỳ, thậm chí ngay cả khi nó hoạt động kém hiệu quả trong những tháng trước đó” - các nhà phân tích cho biết.
Foster và Casanova cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể ảnh hưởng đến dự trữ của ngân hàng trung ương toàn cầu khi các quốc gia đa dạng hóa khỏi đồng đô la Mỹ.
“Theo BGM Group, vàng chỉ chiếm dưới 1% tài sản tài chính toàn cầu và một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng dự trữ của một số nền kinh tế lớn. Do đó, chỉ một sự gia tăng tương đối nhỏ trong tỷ lệ tài sản tài chính toàn cầu được phân bổ cho vàng, chẳng hạn từ dưới 1% đến 2%, có thể khiến nhu cầu tăng gấp đôi - và cùng với đó là giá vàng sẽ tăng”, họ nói.