Giá 'vàng trắng' trên đà tăng, doanh nghiệp cao su lãi đậm trong quý I/2024
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam ghi nhận tích cực. Đơn giá bình quân tăng, xuất khẩu tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp cao su đều có kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm 2024.
Kết quả kinh doanh tích cực
Trong quý I/2024, sản lượng tiêu thụ mủ cao su của Công ty CP Cao su Đồng Phú chỉ đạt 1.336,59 tấn, thấp hơn 18,7% so với mức 1.645,12 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, giá bán bình quân quý vừa qua lại tăng 18,53% lên 40,9 triệu đồng/tấn, giúp doanh thu quý I/2024 của Công ty tăng trưởng 3,8%, đạt 186,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Cao su Đồng Phú đạt lợi nhuận trước thuế 85,1 tỷ đồng, tăng 9,88%.
Bên cạnh đó, Cao su Đồng Phú cũng ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, chủ yếu đến từ mảng phát triển khu công nghiệp. Cụ thể, thông qua Công ty CP Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (Cao su Đồng Phú sở hữu 51% vốn điều lệ), Cao su Đồng Phú đang quản lý Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (189 ha), Khu công nghiệp Nam Đồng Phú (69 ha), Khu dân cư Cao su Đồng Phú khu A - khu B (57 ha).
Tháng 3/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 116,1 nghìn tấn, trị giá 180,36 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với tháng 2/2024;
Giá bán tăng cao cũng giúp Công ty CP Cao su Tây Ninh ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu năm 2024. Theo đó, giá bán bình quân quý I/2024 là 38,1 triệu đồng/tấn, tăng 14% (tương ứng 4,7 triệu đồng/tấn) so với cùng kỳ năm 2023. Giá bán cao giúp doanh thu quý vừa qua của Công ty tăng 36,8% lên 145,5 tỷ đồng. Kết quả, Cao su Tây Ninh ghi nhận 16,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 485,7%.
Kết thúc quý I/2024, Cao su Tân Biên ghi nhận tổng doanh thu và thu nhập khác đạt hơn 375,8 tỷ đồng, tăng trưởng 38,54% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 153 tỷ đồng, tăng 78,64%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 128,7 tỷ đồng, tăng 87,36%.
Cao su Tân Biên cho biết, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 tăng trưởng mạnh là do hoạt động sản xuất kinh doanh cao su tốt. Giá vốn bán hàng mủ cao su giảm so với cùng kỳ do công ty tiết giảm chi phí trên 3,2 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán cao su cao hơn so với cùng kỳ trên 5 triệu đồng/tấn. Trong kỳ, sản lượng mủ cao su tiêu thụ tăng hơn 2.000 tấn.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần 323,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 10% còn 250,9 tỷ đồng. Lãi gộp đạt
Doanh thu hoạt động tài chính trong quý I/2024 giảm 25% còn 29,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 14% còn 4,4 tỷ đồng, trong đó có 4 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng đi ngang, ở mức 8,3 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ từ 20,3 tỷ đồng lên 20,6 tỷ đồng. Lãi gộp tăng 56,7% lên 72,5 tỷ đồng.
Khép lại quý đầu năm, Cao su Phước Hòa báo lãi sau thuế 78,4 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2023.
Cao su Phước hòa cho biết, nguyên nhân chủ yếu do trong quý I/2023, công ty ghi nhận 200 tỷ đồng từ khoản tiền thu do đền bù, hỗ trợ thiệt hại do thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III khi bàn giao đất để thực hiện dự án. Trong khi đó, quý I năm nay, Cao su Phước Hòa không có khoản tiền đền bù này.
Nguồn cung cao su bị thiếu hụt
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 116,1 nghìn tấn, trị giá 180,36 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 tăng 0,2% về lượng và tăng 10% về trị giá.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá xuất khẩu, tháng 3/2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.554 USD/tấn, tăng 4,9% so với tháng 2/2024 và tăng 9,9% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.466 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đánh giá, đà tăng của giá cao su gần đây chủ yếu xuất phát từ yếu tố cung cầu trên thị trường. Về phía cung, sản lượng cao su của hai quốc gia chính là Thái Lan và Indonesia (chiếm khoảng 51% tổng lượng cao su toàn cầu) đều giảm do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cũng như sự dịch chuyển sản xuất của nông dân.
Về nhu cầu, ông Quang nhận định, hoạt động sản xuất lốp xe đang bùng nổ tại Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu về cao su tăng mạnh trong năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2023, quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn cao su tự nhiên, tăng 8% so với năm trước. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt cao su trên phạm vi toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn do sự tăng trưởng không đồng đều giữa sản xuất và tiêu thụ.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), năm 2023, lượng tiêu thụ cao su tự nhiên đạt 15,5 triệu tấn, tăng 9,1% so với năm 2022. Trong khi đó, sản lượng khai thác chỉ tăng 3,4%, lên 15,14 triệu tấn, tạo ra tình trạng thiếu hụt khoảng 0,36 triệu tấn trên thị trường toàn cầu.
Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng dự báo, tình trạng thiếu hụt cao su có thể tiếp tục trong năm 2024 và 2025 khi thị trường toàn cầu đối mặt với sự thâm hụt khoảng 600 - 800 nghìn tấn mỗi năm. Ngoài các yếu tố ảnh hưởng đến cung cầu đã đề cập, nguồn cung cũng giảm đáng kể khi các hộ kinh doanh chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác trong giai đoạn giá cao su giảm mạnh thời gian qua.