Giá vàng trong tuần (27/5-2/6): Ghi nhận mức giảm hàng tuần

Giá vàng thế giới trong tuần (27/5-2/6) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá vàng tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tiếp tục tăng ở đầu phiên và giảm ở cuối phiên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/6, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2327,39 USD/ounce.

Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 67,78 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 15,22 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.

Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2337,4 USD/ounce, giảm 17,3 USD trong phiên.

Giá vàng thế giới trong tuần (27/5-2/6) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá vàng tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tiếp tục tăng ở đầu phiên và giảm ở cuối phiên.

Đầu tuần (27/5-28/5) giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh các giao dịch trở lên ảm đạm khi Anh và Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ. Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát để đánh giá chính sách tiền tệ trong tương lai của Mỹ.

Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2351,61 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2363,5 USD/ounce.

Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định, vàng đã phải hứng chịu những bình luận diều hâu hơn từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn mong đợi. Điều này đã khiến vàng thỏi mất đi 100 USD/ounce kể từ khi kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce vào tuần trước.

Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cho thấy có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa lạm phát xuống mức 2%.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang định giá khoảng 61% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11.

Ở một diễn biến khác, ngày 26/5, Hamas đã phóng nhiều tên lửa vào miền Trung Israel. Sau đó vào ngày 27/5, Cơ quan Phòng vệ Dân sự ở Dải Gaza cho biết các cuộc không kích của Israel vào một trại tị nạn ở Rafah đã khiến số người thiệt mạng trong tăng lên 40 người và 65 người bị thương.

Bộ Ngoại giao Qatar đã phản đối vụ tấn công một trại tị nạn ở Rafah, phía Nam Dải Gaza. Qatar cho biết, cuộc tấn công mới nhất của Israel vào Rafah có thể cản trở các nỗ lực hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với lực lượng Hamas.

Các chuyên gia nhận định, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục leo thang sẽ hỗ trợ thị trường kim loại quý trong ngắn hạn.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ dự kiến trong tuần này sẽ là tâm điểm cho những tín hiệu tiếp theo về chính sách lãi suất vì nó được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giữa tuần (29/5-30/5) giá vàng tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm

Ngày 29/5, giá vàng tăng trong bối cảnh đồng USD suy yếu, trong khi các cuộc xung đột tại nhiều quốc gia trên thế giới đang củng cố sức hấp dẫn của vàng.

Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2357,19 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2369 USD/ounce.

Chỉ số US Dollar Index giảm 0,1% xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tuần đã khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Các cuộc xung đột quân sự diễn ra ở Trung Đông và chiến tranh Nga-Ukraine đang tiếp tục gây ra bất ổn địa chính trị, củng cố sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Bob Yawger của ngân hàng Mizuho cho biết, theo một số nguồn tin, một thành viên cơ quan an ninh Ai Cập đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng với lực lượng Israel.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng đều đặn lượng vàng nắm giữ trong hai năm qua, trong đó ngân hàng trung ương Trung Quốc là một trong những bên mua tích cực nhất. Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng là chất xúc tác chính cho sự tăng giá gần đây của vàng.

Chuyên gia phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết, nhu cầu vàng từ châu Á đang tăng cao và giới đầu tư sẵn sàng chi tiền để mua vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro kinh tế và địa chính trị.

Sang đến ngày 30/5, giá vàng quay đầu giảm khi đồng đô la và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng làm dấy lên lo ngại về lộ trình cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.

Mức thấp nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2338,02 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2354 USD/ounce.

Sự sụt giảm của thị trường kim loại quý diễn ra trước thời điểm công bố báo cáo lạm phát tại Mỹ vào ngày 31/5. Các nhà đầu tư chuẩn bị cho những bất ngờ tiềm ẩn có thể buộc Fed phải điều chỉnh lại triển vọng chính sách tiền tệ.

Chuyên gia phân tích thị trường Han Tan của Tập đoàn Exinity cho rằng, nếu PCE của Mỹ tăng cao hơn dự kiến sẽ làm tăng khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn. Kịch bản này có thể khiến vàng giao động ở mức 2.300 USD/ounce.

Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường đang định giá gần như chắc chắn rằng Fed sẽ duy trì lãi suất chuẩn hiện tại là 5,25% -5,5% tại cuộc họp tháng 6. Tuy nhiên, xác suất thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm, với 12,3% khả năng cắt giảm vào tháng 7 và 47% vào tháng 9.

Theo các chuyên gia ngân hàng Thụy Sĩ có 3 yếu tố sẽ hỗ trợ xu hướng tăng của vàng là: chính sách tiền tệ của Fed; nhu cầu từ các ngân hàng trung ương; nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn do lo ngại bất ổn về địa chính trị.

Thời điểm cuối tuần (31/5-2/6) giá vàng tăng ở đầu phiên và giảm ở cuối phiên.

Ngày 31/5, giá vàng tăng khi dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế tại Mỹ chậm lại từ đầu năm đến nay.

Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2345,98 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2352,7 USD/ounce.

Theo dữ liệu sơ bộ về GDP quý I do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố vào ngày 30/5, nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 1,3% trong 3 tháng đầu năm, thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,6% và giảm so với mức 3,4% được báo cáo trong quý IV năm 2023. Sau báo cáo cả đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc đều giảm khi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay tăng cao.

Bà Lorie Logan - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Dallas cho biết bà vẫn lo lắng về rủi ro lạm phát tăng gần đây và cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải linh hoạt khi theo dõi dữ liệu và xác định cách ứng phó.

Bà Logan chia sẻ tại một sự kiện ở El Paso, Texas rằng: “Điều thực sự quan trọng là chúng tôi không đi theo bất kỳ con đường cụ thể nào về chính sách tiền tệ. Tôi nghĩ còn quá sớm để Fed thực sự nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”.

Chuyên gia phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades cho rằng, các nhà giao dịch ngày càng thiên về kịch bản Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại màu vàng và tạo ra mức kháng cự mạnh về giá.

Trưởng phòng Nghiên cứu Nitesh Shah của WisdomTree kỳ vọng nhu cầu từ các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, từ đó sẽ mang lại sự hỗ trợ vững chắc cho giá vàng.

Sang đến ngày 1/6 và 2/6, giá vàng giảm sau khi thị trường tiếp nhận báo cáo Chỉ số giá Tiêu dùng (PCE) tháng 4 của Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước và 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm trở lại đây.

Mức thấp nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2327,39 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2337,4 USD/ounce.

Báo cáo từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cho thấy thu nhập cá nhân của người dân Mỹ đã tăng 65,3 tỷ USD, thu nhập cá nhân khả dụng (DPI) tăng 40,2 tỷ USD và chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 39,1 tỷ USD.

BEA dự đoán lạm phát trong tháng 4 sẽ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, đây là tháng đầu tiên trong năm 2024 áp lực lạm phát vẫn ổn định thay vì tăng tốc so với tháng trước.

Dữ liệu PCE mới nhất đã làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng 9. Theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đã tăng từ 50,5% ngày hôm qua lên 53,2% vào hôm nay.

Mặc dù lạm phát tăng phù hợp với kỳ vọng đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Lãi suất thấp hơn có xu hướng có lợi cho giá vàng về lâu dài, vì vàng không mang lại lãi suất và lãi suất cao hơn thường tạo áp lực lên sức hấp dẫn của kim loại quý. Bất chấp giá vàng giảm gần đây, kim loại này vẫn kết thúc tháng 5 với mức tăng gần 1% và được hưởng lợi từ triển vọng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sắp tới.

Các nhà phân tích cho biết, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng trong khi thị trường việc làm hạ nhiệt với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp không tăng quá cao. Điều này cho thấy, Fed vẫn còn giữ lãi suất điều hành đồng USD lâu hơn dự kiến vào tháng 9 tới. Vì vậy, vàng sẽ còn chịu áp lực khi lãi suất cao, khiến nhà đầu tư chốt lời do chi phí đầu cơ kim loại quý gia tăng.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 81-83 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 2.000.000 đồng ở chiều mua và giảm 4.000.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/6.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 80,95-82,75 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 2.100.000 đồng ở chiều mua và giảm 3.200.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/6.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 80,95-83,45 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 2.050.000 đồng ở chiều mua và giảm 2.450.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/6.

Minh Đức

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gia-vang-trong-tuan-275-26-ghi-nhan-muc-giam-hang-tuan-712198.html