Giá vàng vững trên mức 2.500 USD/ounce

Giá vàng hầu như không thay đổi trong phiên giao dịch chiều 27/8, nhưng vẫn giữ trên mức tâm lý 2.500 USD/ounce nhờ sự lạc quan của các nhà đầu tư về việc Mỹ sắp cắt giảm lãi suất và những lo ngại dai dẳng về xung đột ở Trung Đông.

Vàng miếng được bày bán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Vàng miếng được bày bán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng giao ngay vẫn giữ ở mức 2.515,51 USD/ounce vào lúc 13 giờ 10 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng đã tăng hơn 21% từ đầu năm đến nay, đạt mức cao kỷ lục 2.531,60 USD/ounce vào ngày 20/8. Giá vàng của Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,2% xuống 2.551,00 USD/ounce.

Chuyên gia chiến lược thị trường Yeap Jun Rong tại IG cho biết, có nhiều khả năng Mỹ hạ lãi suất vào tháng 9/2024, nhưng những tranh luận xoay quanh quy mô của đợt cắt giảm này khiến các nhà đầu tư mong đợi những số liệu kinh tế sắp tới để củng cố quan điểm của họ. Chuyên gia này cũng kỳ vọng xu hướng tăng giá vàng sẽ tiếp tục xét đến hiệu quả tích cực trong các chu kỳ nới lỏng lãi suất trước đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch dự báo 70% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản và khoảng 30% khả năng giảm mạnh hơn 50 điểm cơ bản. Môi trường lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng không có lãi suất cố định.

Bà Mary Daly, Chủ tịch Fed, chi nhánh San Francisco cho biết, khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng tới là rất cao.

Chuyên gia chiến lược hàng hóa Soni Kumari của ngân hàng ANZ dự đoán giá vàng có thể đạt mức 2.550 USD/ounce trong trung và dài hạn, nhưng trong ngắn hạn thị trường có thể tìm kiếm cơ hội để điều chỉnh.

Tại Việt Nam, cuối phiên 27/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,00- 81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu Brent tăng nhẹ

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Đà tăng của giá dầu có phần chững lại trong phiên chiều 27/8, sau khi tăng hơn 7% trong ba phiên trước đó, do lo ngại về nguồn cung dầu thô bị gián đoạn bởi nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông và khả năng Libya đóng cửa các mỏ dầu.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 3 xu Mỹ lên 81,46 USD/thùng vào lúc 13 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 6 xu Mỹ xuống 77,36 USD/thùng.

Chuyên gia Yeap Jun Rong tại IG cho biết, mức giảm giá dầu có vẻ được hạn chế trong phiên giao dịch hôm nay, điều này cho thấy giá đang tạm dừng sau một đợt tăng mạnh trong vài ngày qua. Những người tham gia thị trường đang chờ đợi để đánh giá các diễn biến tiếp theo.

Chính phủ Libya đã thông báo đóng cửa tất cả các mỏ dầu vào ngày 26/8, qua đó đình chỉ cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định rủi ro lớn nhất đối với thị trường dầu là sự sụt giảm hơn nữa trong sản lượng dầu của Libya do căng thẳng chính trị tại nước này, với nguy cơ sản lượng có thể giảm từ mức hiện tại là 1 triệu thùng/ngày xuống 0.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng thị trường vẫn lo lắng khi các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah gia tăng. Còn nhà phân tích Serena Huang của Vortexa cho biết, tâm lý nhu cầu giảm có thể gây áp lực giảm giá dầu do nhu cầu của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn, khả năng Libya đóng cửa các mỏ dầu cũng sẽ thắt chặt nguồn cung và hạn chế đà giảm giá dầu.

Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên chiều 27/8 sau một ngày ảm đạm trên Phố Wall khi các nhà giao dịch tạm nghỉ sau đợt tăng giá gần đây do đặt cược vào việc Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất.

Chốt phiên 27/8, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,5% lên 38.288,62 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,4% lên 17.874,67 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,2% xuống 2.848,73 điểm.

Thị trường Manila, Bangkok và Mumbai cũng tăng điểm, nhưng Seoul, Singapore, Sydney, Wellington, Jakarta và Đài Bắc đều giảm.

Chuyên gia Kelvin Wong của OANDA cho biết, hiện tại các nhà tham gia thị trường có thể sẽ tập trung vào tình trạng của nền kinh tế Mỹ theo chu kỳ giảm lãi suất của Fed về việc liệu Fed có đang chậm trễ trong việc thực hiện các đợt giảm lãi suất và tác động đến các tài sản rủi ro hay không.

Các nhà đầu tư cũng đang tập trung theo dõi các chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tổng sản phẩm quốc nội, thu nhập cá nhân, chi tiêu và tâm lý người tiêu dùng. Báo cáo việc làm quan trọng của tháng Tám sẽ được công bố vào tuần tới.

Tại Việt Nam, đóng cửa phiên 27/8, VN-Index tăng 0,54 điểm (0,04%) lên 1.280,56 điểm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,03%) xuống 238,91 điểm.

Vân Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-vang-vung-tren-muc-2500-usdounce-20240827165341482.htm