Giá vàng vượt mọi kỷ lục, nhưng rất nhiều rủi ro
Đà tăng của kim loại quý vẫn chưa dừng lại khi chiều nay, 20/12 (lúc 16 giờ Việt Nam) đứng ở mốc 2.041,43 USD/ounce, tăng thêm 1,4 USD/ounce so với mở cửa. Giá vàng SJC cũng lên 75,62 triệu đồng/lượng, so với 75,5 triệu đầu giờ sáng.
Lãi suất toàn cầu giảm, vàng tăng giá điên loạn
Chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng trong nước tăng chóng mặt. Tính chung từ đầu tuần tới nay, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước bật tăng mạnh mẽ kể từ chiều qua, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo giữ nguyên lãi suất. BOJ cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng thời tiếp tục theo dõi xu hướng giá cả và tiền lương trước khi tăng lãi suất. Đồng yên tiếp tục suy yếu sau động thái này.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới tăng mạnh do được hỗ trợ bởi việc giảm giá của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống. Dollar Index đã giảm gần 2,9% trong vòng 3 tháng trở lại đây, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 1,1% so với cuối tháng 10.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết, các nhà đầu tư đang mua vàng vì thị trường đang lạc quan khi đặt cược Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ cắt giảm lãi suất trước khi họ đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Tuần trước Fed đã phát tín hiệu sắp giảm lãi suất. Các quan chức Fed dự kiến có ba đợt cắt giảm lãi suất mỗi đợt 0,25% vào năm 2024.
Những quan ngại về bối cảnh kinh tế ảm đạm toàn cầu và xung đột bất ổn chính trị trên toàn cầu vẫn tăng cao. Dù nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ khó bứt phá nếu chưa có chất xúc tác mới, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định giá kim loại quý này sẽ không điều chỉnh giảm sâu trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, khả năng giá vàng thế giới có thể chạm đến ngưỡng 2.200 USD/ounce vào quý II năm sau.
Thị trường trong nước vẫn nhiều rủi ro
Mức giá 2.041,43 USD/ounce chưa phải là đỉnh trong năm nay. Thế nhưng giá vàng SJC đã tăng cao nhất, xô đổ mọi kỷ lục trước đó. So với giá vàng miếng SJC đã xác lập kỷ lục mới, cao hơn 1,2 triệu đồng/lượng so với kỷ lục cũ đã lập.
Giới kinh doanh vàng cho biết chưa khi nào giá vàng miếng trong nước cao như hiện nay. Nếu so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 15,2 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn khoảng 2,6 triệu đồng/lượng.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua tích trữ vàng lớn. Đồng thời, hiện nay, lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân không mặn mà gửi ngân hàng nên tìm kênh đầu tư khác như vàng. Trong khi đó, nguồn cung vàng SJC chỉ quanh quẩn trong dân và doanh nghiệp và không được sản xuất thêm vàng.
Tại Việt Nam, kinh tế vẫn khó khăn. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, đầu tư khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang ít đơn hàng, hoạt động co cụm lại. Dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Tâm lý mua vàng còn giữ được giá khiến nhiều người ưu tiên tích trữ vàng hơn”, - TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá dư địa tăng của giá vàng là rất lớn, tuy nhiên, ông Hiếu đưa ra lời khuyên rằng người mua chỉ nên dành 30% ngân sách của mình vào vàng. Lý do khoảng cách so với giá vàng thế giới tăng và chênh lệch mua bán lớn.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá vàng trong nước không thực sự liên thông với thị trường quốc tế, rủi ro sẽ càng lớn hơn; nhất là khi thị trường tài chính có biến động mạnh, giá vàng biến động mạnh, nhanh, thậm chí theo giờ.
Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF), một lực lượng quan trọng của thị trường vàng, vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng. Sau mấy phiên “nằm im”, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng khoảng 2 tấn vàng trong phiên ngày thứ Ba, giảm nắm giữ còn gần 877,7 tấn vàng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-vang-vuot-moi-ky-luc-nhung-rat-nhieu-rui-ro.html