Giá vé máy bay cao chót vót vì lo... thiếu máy bay?
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, dù các hãng hàng không liên tục tăng chuyến, song hiện tại, giá vé máy bay đi đến nhiều địa điểm du lịch đang cao chót vót. Điều này khiến không ít người dân ngần ngại, tính toán trước khi đặt mua vé cho một kỳ nghỉ dài. Một trong những nguyên nhân tác động đến giá vé máy bay là do giá vé trần có thay đổi, cộng với việc thiếu máy bay vì máy bay phải vào tình trạng bảo dưỡng kỹ thuật.
Vé nhiều nhưng giá cao
Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5.
Theo đó, số chuyến bay tăng cường tập trung trên các đường bay du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo… Bên cạnh đó, dự đoán nhu cầu di chuyển của hành khách sẽ tăng trong giai đoạn nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Hãng hàng không Vietravel Airlines dự kiến tăng tần suất các chặng bay chính như: TP Hồ Chí Minh-Hà Nội với tần suất 2-3 chuyến khứ hồi/ngày, chặng TP Hồ Chí Minh-Đà Nẵng với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày.
Ngoài ra, hãng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình đặt vé và điểm đến hành khách có xu hướng di chuyển cao để phối hợp với cơ quan chức trách hàng không tăng tần suất phù hợp. Bên cạnh đó, trong tháng 4, Vietravel Airlines cũng đẩy mạnh thực hiện các chuyến bay charter đến thị trường Nhật Bản, đưa khách Việt Nam đến thị trường tiềm năng này và ngược lại. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa ra quyết định điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ, cất cánh tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn nghỉ lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè 2024. Theo đó, cơ quan này điều chỉnh tham số điều phối đường cất, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay (slot) từ 42 chuyến/giờ lên 44 chuyến/giờ cho các khung giờ từ 6 giờ-23 giờ 55 và và từ 32 chuyến/giờ lên 36 chuyến/giờ cho các khung giờ từ 0 giờ-5 giờ 55.
Điều đáng chú ý, dù các hãng đang tăng cường bổ sung thêm các chuyến bay phục vụ người dân đi lại, song giá vé lại không hề rẻ. Chị Như Ngọc (Thanh Trì-Hà Nội) chia sẻ: Gia đình chị cả hai vợ chồng đều công chức nhà nước, cũng chỉ tranh thủ kỳ nghỉ lễ đưa các con đi chơi xa. Thế nhưng, gần một tháng nay lên mạng săn vé máy bay giá rẻ, chị đều thất bại. Cụ thể, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội-Phú Quốc đi ngày 28/4, về ngày 3/5 có giá từ 5 triệu đến hơn 7 triệu đồng/vé. Mức giá này cao hơn 2,5 triệu đồng/vé so với hiện tại. Với đường bay Hà Nội-Đà Lạt, giá vé máy bay ngày 27/4, hãng hàng không Vietjet Air có các mức giá dao động từ 2,7-3,9 triệu đồng/vé khứ hồi trong khi Vietnam Airlines là 3,8-13,07 triệu đồng/vé khứ hồi.
Chặng bay Hà Nội-Nha Trang đi ngày 28/4 và về ngày 3/5, mức giá tốt nhất đến nay là 3,9 triệu đồng/vé khứ hồi và cao nhất là 7,7 triệu đồng, cao hơn 1,2-1,5 triệu đồng so với thời điểm này. Cũng lường trước được vấn đề này nên chị Ngọc chuyển sang chọn chặng ngắn, nhưng tình trạng giá vé cũng cao ngất. Vé Hà Nội- Đà Nẵng trung bình cũng khoảng 5 triệu/ vé khứ hồi (hãng Vietnam Airlines), vé chặng Hà Nội-Buôn Mê Thuột đi chuyến muộn của hãng VietJet giá cũng tới 4,7 triêu/vé khứ hồi. “Với mức giá như tham khảo chắc gia đình tôi chuyển sang đi tàu hỏa, chậm một chút nhưng vé rẻ hơn nhiều, có khi chỉ bằng một nửa”, chị Như Ngọc tâm sự.
Sớm bổ sung máy bay, hạn chế chậm, hủy chuyến
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tháng 9/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc Pratt&Whitney phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới) để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số máy bay A321NEO do Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm cho các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024). Bamboo Airways cũng dừng khai thác đội máy bay Embraer E190 (3 chiếc) và dừng khai thác các đường bay sử dụng loại máy bay này (Hà Nội-Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TP Hồ Chí Minh- Đồng Hới/Côn Đảo) để thực hiện tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác, tiến tới cân đối được thu chi và mở rộng, tăng trưởng trở lại. Đường bay thẳng Hà Nội-Côn Đảo sẽ dừng khai thác từ ngày 1/4/2024. Các nguyên nhân nêu trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024, 2025. Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không nghiên cứu, lựa chọn các hình thức, phương tiện phù hợp với kế hoạch di chuyển đến các điểm đến. Các tổ chức, cá nhân nên mua vé qua các phòng vé, đại lý chính thức của hãng để bảo đảm quyền lợi và thông tin đến Cục Hàng không, Cảng vụ hàng không khu vực hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo đường dây nóng trong trường hợp phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với hành khách tham gia vận tải hàng không, Bộ GTVT mới đây cũng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, bổ sung máy bay đảm bảo và duy trì lực lượng vận tải, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và giai đoạn cao điểm hè sắp tới. Cùng đó, thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/gia-ve-may-bay-cao-chot-vot-vi-lo-thieu-may-bay--i726811/