Giá vé xe khách dịp lễ 30/4-1/5 điều chỉnh nhẹ, dự kiến lượng khách tăng
Theo ghi nhận, nhiều hãng xe khách tại TP. HCM dự kiến chỉ tăng nhẹ vé để giữ khách trong thời gian 'phục hồi' sau dịch Covid-19. Dù còn gần 1 tuần nữa mới đến lễ 30/4, 1/5, song, không ít hãng đã hết vé từ sớm.
Nhiều hãng xe hết vé từ sớm
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, Như Quỳnh (20 tuổi, quê Ninh Thuận) cho biết, dù đã đặt vé xe trước ngày lễ 30/4 một tuần, nhưng các hãng xe thông báo đã hết sạch vé.
Nhiều hãng xe hết vé sớm trong dịp lễ 30/4, 1/5.
Bài liên quan
Hàng không tăng tải, tích cực bay đêm phục vụ cao điểm nghỉ lễ 30/4
“Cháy vé” dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, đường sắt chạy thêm nhiều đoàn tàu khách
Hạn chế người đón tiễn tại sân bay, cảng hàng không dịp nghỉ lễ 30/4
Thuê xe tự lái dịp 30/4: Giá tăng gấp đôi, nhiều cơ sở “cháy hàng”
“Những năm trước cũng đặt vé xe vào khoảng thời gian này và vẫn còn vé để về. Không hiểu sao năm nay lại hết sớm đến vậy. Gọi cho hãng thì số máy liên tục bận vì quá nhiều người gọi. Đến khi bắt máy thì nhận được tin hết vé. Tôi có đến các hội nhóm bán lại vé xe, nhưng do giá quá cao nên đành thôi. Nếu vài ngày nữa không tìm được vé xe thì tôi sẽ ở lại TP. HCM để chơi lễ”, Như Quỳnh nói
Bên cạnh đó, chị Mỹ Tiên (quê An Giang) cũng chia sẻ rằng, khu vực chị ở chỉ có duy nhất một hãng xe khách. Vì thế, nhiều năm qua, việc đặt vé xe về quê chơi lễ đối với chị như một thử thách đầy khó khăn.
“Năm nay rút kinh nghiệm đặt vé trước 1 tuần mà vẫn không còn ghế. Tôi nghĩ có lẽ năm nay do hãng tăng nhẹ giá vé, tầm 20 tới 30 nghìn thôi, nên người dân họ đi nhiều hơn. Hãng có vài chiếc còn duy nhất một ghế tít sau cùng, bản thân tôi lại say xe nên thôi khỏi về luôn. Bình thường tôi cũng hay chạy xe máy về nhưng lễ này chạy xe máy thì kẹt xe, không biết khi nào tới”, chị Tiên tâm sự.
Theo ghi nhận, Bến xe Miền Đông dự kiến có 25.000 lượt khách đi qua bến trong dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, giảm 30% so với năm ngoái. Tuy nhiên, một số tuyến xe đi các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đến nay lại hết vé đặt trước.Còn tại Bến xe Miền Tây, các tuyến có lượt khách gọi điện đặt vé trước để giữ chỗ như đi Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang tăng mạnh.
Đại diện Bến xe Miền Tây cho biết, tình hình dịch bệnh đến nay đã tương đối được kiểm soát nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Cụ thể là lượng khách qua bến trong dịp Giỗ Tổ vừa qua tăng lên so với dự kiến, dự kiến sẽ có khoảng 49.000 lượt, tăng 20% so với kế hoạch ban đầu, hành khách tập trung đông vào chiều tối ngày thứ 6 (29/4) và nguyên ngày thứ 7 (30/4).
Đại diện các bến xe tại TP. HCM dự báo, lượng người sử dụng xe khách để di chuyển về các địa phương sẽ tăng mạnh vào nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây do kỳ nghỉ năm nay kéo dài tới 4 ngày. Ngày cao điểm nhất là 29/4 sẽ có khoảng 25.100 lượt khách.
Giá vé không tăng quá 40%, điều động thêm lượng xe tăng cường
Theo thống kê của Bến xe miền Đông qua các năm dịp Lễ 30/4, 1/5, các đơn vị kê khai tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong 2 ngày. Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhiều nhà xe đã quyết định không tăng hoặc tăng giá vé ở biên độ thấp để giữ chân hành khách sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Không ít các hãng xe tăng nhẹ giá vé hoặc thậm chí không tăng giá để giữ khách.
Đồng thời, Bến xe miền Đông cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian phục vụ lễ 30/4-1/5. Trường hợp đơn vị vận tải có kê khai điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo đủ chi phí quay đầu (khi không có khách chiều về) giải tỏa hành khách, thời gian điều chỉnh tối đa trong hai ngày 29/4 và 30/4. Mức điều chỉnh tối đa như các năm trước.
Cụ thể, khu vực từ Quảng Ngãi trở vào Bình Thuận, các tuyến khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng và khu vực miền Tây điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường; Các tuyến thuộc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh tăng không quá 20% so với ngày thường.
Đối với các xe tăng cường do Bến xe miền Đông điều động như xe chạy lệch tuyến, xe hợp đồng, xe buýt, sẽ xây dựng bộ giá cước theo quy định tại Thông tư 191/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách lúc cao điểm trong các dịp lễ, Tết.
Bên cạnh đó, đại diện phòng Điều hành Bến xe miền Tây cho biết, bến mới chỉ ghi nhận duy nhất một đơn vị đề xuất tăng giá vận chuyển hành khách trong đợt nghỉ lễ 30/4. Vào đầu tháng 3/2022, ở đợt giá xăng dầu tăng mạnh, bến xe đã ghi nhận 51/127 đơn vị có gửi kê khai tăng giá vé, mức tăng bình quân từ 10-20%.
Theo ghi nhận, đối với Kumho Samco Buslines (tuyến TP.HCM - Hà Tiên, Kiên Giang), trước đây, tiền dầu chạy xe khoảng 2,3 triệu/chuyến thì giờ đã lên 4,4 triệu/chuyến, cao gần gấp đôi. Dù được phép tăng giá vé cao hơn nhưng DN chỉ tăng 10%, bởi tăng nhiều quá sợ người dân không sử dụng dịch vụ nữa.
Đại diện hãng xe Huệ Nghĩa (TP. HCM đi An Giang) cho biết, giá vé giường nằm, xe 40 chỗ có giá 170.000 đồng/ghế, ngày lễ tăng nhẹ khoảng 200.000 đồng.
Bên cạnh đó, xe giường nằm đi từ TP. HCM đi TP. Nha Trang khoảng 250.000 đồng/ghế, ngày lễ là 420.000 đồng; TP. HCM đi Đà Lạt ngày thường là TP. HCM - Đà Nẵng có giá 580.000 đồng/ghế,…
Được biết, các hãng xe tại đây phải chuẩn bị tăng lượng xe để đáp ứng nhu cầu cầu của hành khách. Theo kế hoạch, các bến xe đang chuẩn bị giá vé niêm yết trước 3 ngày, đồng thời phối hợp với các đơn vị vận tải và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để điều động thêm một lượng xe tăng cường nhằm đảm bảo phục vụ cho nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp lễ 30/4-1/5 của người dân.