Gia Viễn: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử

Gia Viễn không chỉ là địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng mà còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Những năm qua, huyện Gia Viễn luôn chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch.

Huyện Gia Viễn chuẩn bị đầu tư trùng tu, tôn tạo Chùa Lỗi Sơn (xã Gia Phong) - di tích cấp Quốc gia. Ảnh: Anh Tú

Huyện Gia Viễn chuẩn bị đầu tư trùng tu, tôn tạo Chùa Lỗi Sơn (xã Gia Phong) - di tích cấp Quốc gia. Ảnh: Anh Tú

Trên địa bàn huyện Gia Viễn hiện có 279 di tích, trong đó có 57 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp Quốc gia (13 di tích cấp Quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh); có 2 di tích do UBND huyện thành lập Ban Quản lý, 55 di tích do UBND xã thành lập Ban quản lý, 222 di tích do cơ sở tín ngưỡng tôn giáo quản lý.

Đồng chí Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa luôn được các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện quan tâm thực hiện. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích trên địa bàn để từ đó có kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp cho di tích. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, Ban Quản lý, Ban Khánh tiết các di tích chủ động huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa.

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Viễn, từ năm 2021-2023 trên địa bàn huyện đã có 9 di tích được hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp hằng năm với mức hỗ trợ của tỉnh từ 200-500 triệu đồng/di tích; có 7 di tích được đầu tư tôn tạo, tu bổ từ nguồn kinh phí của tỉnh với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng. Đặc biệt, một số địa phương chủ động làm tốt công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích được xếp hạng. Điển hình, tại xã Gia Phong, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử luôn được đẩy mạnh.

Đồng chí Đinh Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phong cho biết: Xã có 6 di tích, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia (Chùa Lỗi Sơn, Nhà thờ Đinh Huy Đạo), 4 di tích cấp tỉnh (Đền Vò, Đình Doanh Động, Đình Ngọc Thượng, Chùa Chính Dương). Cùng với nguồn vốn của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân, con em xa quê và doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích như: Huy động 900 triệu đồng để xây nhà thờ tổ, trùng tu nhiều hạng mục, công trình đã xuống cấp tại di tích Chùa Lỗi Sơn; 550 triệu đồng sửa chữa hậu cung Đền Vò… Bên cạnh đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích, địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di tích bằng nhiều hình thức.

Với mục đích góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện, UBND huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa.

Từ năm 2021-2023, UBND huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công Lễ hội Đền Thánh Nguyễn tại di tích Đền Thánh Nguyễn quy mô cấp huyện với các hoạt động phong phú và điểm mới so với các lễ hội những năm trước đây. Các xã, thị trấn, thôn, xóm phố cũng quan tâm tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Lễ rước nước tại Lễ hội Đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Minh Quang

Lễ rước nước tại Lễ hội Đền Thánh Nguyễn. Ảnh: Minh Quang

Các di tích lịch sử, văn hóa tại huyện Gia Viễn khá phong phú, được xem là nguồn tài nguyên cho việc phát triển du lịch. Vì vậy, năm 2023, huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch ra mắt và đưa vào khai thác tour du lịch "Tìm về cội nguồn" gồm 2 tuyến, trong đó tuyến số 1 với chủ đề "Theo dấu chân vua Đinh Tiên Hoàng", đưa du khách tham quan tại các điểm di tích: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng-lăng Phát Tích, chùa Kỳ Lân-động Hoa Lư.

Tuyến số 2 với chủ đề "Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn", du khách được tham quan di tích Đền Thánh Nguyễn và trải nghiệm hoạt động sản xuất dược liệu tại Hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh. Tại mỗi điểm đến, du khách được giới thiệu về những nhân vật liên quan đang được thờ tự; tận mắt chiêm ngưỡng, cảm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc độc đáo của các hiện vật.

Không chỉ vậy, du khách còn được tham gia những hoạt động trải nghiệm giúp hiểu rõ hơn lịch sử hào hùng về vị hoàng đế sáng lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta. Thông qua hoạt động du lịch, du khách có thể hiểu rõ hơn giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do xây dựng từ lâu đời, trải qua thời gian dài chịu sự tác động của thời tiết, nhiều di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện đã và đang xuống cấp nghiêm trọng như: Đình Núi Thiệu ở xã Gia Tân; đình và chùa Giá Thượng ở xã Gia Hòa... Hoạt động đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tuy đã có những kết quả bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích vẫn còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực để tu bổ, chống xuống cấp cho các di tích. Hầu hết các di tích nằm biệt lập xa khu dân cư, không có người trông coi thường xuyên, vì vậy việc bảo quản hiện vật, đồ thờ tự, sắc phong, hồ sơ khoa học... gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng bị hư hỏng. Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch hiệu quả chưa cao. Vì vậy, thời gian tới việc đẩy mạnh trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị, khai thác tiềm năng du lịch của các khu di tích trên địa bàn huyện Gia Viễn cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cac-di-tich-lich-su/d202409151101556.htm