Giá xăng có thể về mức 23.000 đồng/lít nếu không trích quỹ bình ổn giá
Việc tiếp tục trích quỹ bình ổn ở mức cao khiến giá xăng chiều 11/8 chỉ giảm dưới 1.000 đồng/lít. Nếu giảm hơn 1.600 đồng/lít, giá mặt hàng này đã có thể về mức 23.000 đồng/lít.
Từ 15h ngày 11/8, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 900 đồng/lít còn 23.720 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 940 đồng/lít còn 24.660 đồng/lít. Lũy kế sau 5 lần giảm liên tiếp, xăng RON 95 đã hạ hơn 8.100 đồng/lít; E5 RON 92 hạ 7.170 đồng/lít; dầu diesel 7.510 đồng/lít...
Đáng chú ý, ở lần điều chỉnh giá này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục tiến hành trích lập quỹ bình ổn ở mức cao, mặc dù thấp hơn kỳ điều hành trước 100 đồng/lít với xăng và dầu diesel. Cụ thể, mặt hàng xăng ở mức 700-750 đồng/lít, dầu diesel 350 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít và dầu mazut là 716 đồng/kg.
Quỹ bình ổn dương vẫn trích quỹ cao
Tính chung cả 5 lần giảm giá liên tiếp, cơ quan điều hành đã trích tới hơn 3.500 đồng/lít với mặt hàng xăng; 2.800 đồng/lít với dầu hỏa và 1.900 với dầu diesel. Nếu kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không tiến hành trích lập, giá xăng đã có thể giảm tới 1.600-1.690 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 1.350 đồng/lít, đưa giá các mặt hàng này về mức 22.000-23.000 đồng/lít.
Đáng chú ý, hiện dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối lớn đã dương trở lại.
Đến ngày 11/8, quỹ bình ổn giá của Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước dương 437 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) là 227 tỷ đồng, trong đó mức trích lập đến ngày 10/8 là 8,7 tỷ đồng; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) là 268 tỷ đồng; Công ty CP hóa dầu quân đội (Mipec) là hơn 13 tỷ đồng...
Theo lý giải của nhà quản lý, kỳ điều hành này giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu có xu hướng giảm nhẹ (riêng dầu mazut tăng). Do đó, để hỗ trợ cho đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, liên Bộ quyết định giảm mức trích lập quỹ bình ổn để tiếp tục giảm giá các mặt hàng xăng dầu và giữ ổn định giá đối với mặt hàng dầu mazut.
"Đặc biệt, tiếp tục khôi phục quỹ bình ổn để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường", liên Bộ cho hay.
Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 21 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 8 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 23.700-24.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào cuối tháng 1.
Số lần trích gấp đôi số lần chi
Thực tế, từ đầu năm đến nay khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn chi ở mức trung bình 100-300 đồng/lít; còn khi giá giảm, cơ quan điều hành trích quỹ trung bình 200-700 đồng/lít.
Cụ thể, trong 13 lần tăng và 8 lần giảm giá. Đối với xăng RON 95, cơ quan điều hành đã có 6 lần chi và 13 lần trích quỹ bình ổn. Trong đó, mức chi cao nhất là 1.000 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 11/3 và mức trích cao nhất là 750-850-950 đồng/lít vào các kỳ điều hành ngày 11-21/7, 1-11/8.
Đầu tháng 7, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành và các tập đoàn: Xăng dầu Việt Nam, Dầu khí Việt Nam (PVN); các thương nhân đầu mối cung cấp hồ sơ thông tin về quỹ bình ổn giá xăng dầu (quy trình trích, sử dụng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân); việc niêm yết công khai, công tác kiểm tra, kiểm soát giá xăng dầu...
Bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người tiêu dùng trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Theo quy định, quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ theo quy định.
Về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần phải tính toán nếu bỏ quỹ này thì phải có biện pháp khác thay thế. "Tôi đã nhiều lần muốn bỏ quỹ này nhưng vấn đề nếu bỏ thì giá xăng sẽ tăng sốc. Quan trọng là đưa ra chính sách phải đảm bảo tính khả thi và tác động thực sự đến người dân, doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô", ông nhìn nhận.
Cùng quan điểm, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng rất khó để bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. "Nếu muốn bỏ, cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn", ông nói.
"Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, giá xăng dầu lên xuống hàng ngày theo biến động thị trường và nhà nước có kho dự trữ rất lớn, muốn tác động giá sẽ xả các kho này. Còn ở Việt Nam, kho dự trữ xăng dầu quốc gia rất mỏng và vẫn gộp chung với kho dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối", vị chuyên gia nhìn nhận với Zing.