Giá xăng dầu biến động thất thường, lộ góc tối thị trường bán lẻ

Chiết khấu 0 đồng, bị doanh nghiệp đầu mối chèn ép, nguy cơ đóng cửa hàng loạt…là những góc tối trên thị trường bán lẻ xăng dầu khi giá biến động thất thường.

Giá xăng dầu bán lẻ trong nước hiện đã giảm gần chục nghìn đồng mỗi lít so với thời điểm cuối tháng 6 nhưng sự ổn định vẫn chưa trở lại thị trường. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cửa hàng, đại lý xăng dầu cho biết đang vô cùng khó khăn, càng bán càng lỗ, nếu kéo dài thì chỉ còn nước đóng cửa.

Giá xăng dầu đã giảm về mức thấp nhất trong nhiều tháng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ kêu càng bán càng lỗ. (Ảnh minh họa: Thu Nga)

Giá xăng dầu đã giảm về mức thấp nhất trong nhiều tháng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ kêu càng bán càng lỗ. (Ảnh minh họa: Thu Nga)

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Hải (Hà Nội), cho biết doanh nghiệp của ông đang gặp khó khăn lớn, càng kinh doanh càng lỗ nặng, do mức chiết khấu chỉ 0 - 50 đồng/lít, không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động.

Trong khi đó, theo ông Hạnh, tổng chi phí cho mỗi lít xăng từ đầu nguồn đến bán lẻ là từ 1.250 - 1.300 đồng/lít, chi phí cho dầu là 1.130 -1.250 đồng/lít. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải gánh đủ mọi loại chi phí khác như lương, thuê nhân sự, vận chuyển, phí bảo hiểm, công đoàn...

Bà Lê Thị Nhã, lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Hà Nội), cũng phản ánh lợi nhuận kinh doanh suốt 2 tháng nay không đủ trả tiền điện vì chiết khấu không có. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho hay hiện chiết khấu với doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang là 0 đồng/lít. Trong khi chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến các đại lý mất khoảng 700 đồng/lít. Với mỗi lít bán ra, doanh nghiệp lỗ 1.200-1.300 đồng. Nhưng nguồn cung cũng không sẵn, tình trạng khan hiếm, đứt hàng từ các doanh nghiệp đầu mối xảy ra liên tục.

Theo bà Sinh, trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không cần có lãi nhưng cơ quan quản lý phải làm sao để doanh nghiệp có đủ chi phí trả lương cho người lao động.

Đáng chú ý, theo ông Trần Bảo Sơn, đại diện Công ty Xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội) không chỉ chiết khấu 0 đồng, hiện nay doanh nghiệp bán lẻ đang khổ đủ đường vì các quy định rất “trời ơi đất hỡi”. Chẳng hạn để có một cây xăng, doanh nghiệp phải trải qua cả rừng thủ tục kéo dài đến 5 năm, thậm chí 10 năm. Khi cây xăng xuống cấp, muốn sửa thì lại vướng hàng loạt quy định, từ an toàn môi trường, cảnh quan, kiến trúc, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Hay là quy định phải có phương án xử lý sự cố tràn dầu trong khi quy định này chỉ hợp lý với các phương tiện vận tải thủy.

Nhằm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và Xây lắp dầu khí, kiến nghị doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu cần chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức với doanh nghiệp bán lẻ.

Bà Hường cho rằng, nếu tình trạng hiện nay kéo dài, nhiều cây xăng ngưng bán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành khác và người tiêu dùng. Khi đó doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không bán hàng nữa không phải vì chiết khấu mà do không còn vốn để tồn tại.

Đa số các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chặt giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu.

Nhà nước cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho các đại lý mức hoa hồng tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sớm cập nhật, tính đúng, đủ chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp đầu mối vào cơ cấu giá cơ sở xăng dầu.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần thương thảo mức chiết khấu với doanh nghiệp đầu mối và mức cụ thể ra sao cần ghi rõ trong hợp đồng. Như hiện nay, hợp đồng không có quy định về chiết khấu. Về mức chiết khấu bằng 0, ông Bảo cho rằng thực tế này rất lạ lùng, chưa từng có. Nguyên nhân là biến động của thị trường giá xăng dầu năm nay quá dị biệt so với các năm trước đây.

Sẽ tham mưu điều chỉnh

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), về chính sách chiết khấu xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp đầu mối cần có đàm phán, chia sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn.

"Có thời điểm doanh nghiệp đầu mối chiết khấu cao hơn, nhưng đây là thời điểm khó khăn chung trong toàn hệ thống, do đó các doanh nghiệp cần bắt tay, chia sẻ với nhau trong giai đoạn này", ông Tuấn nói.

Về chi phí định mức, Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu gửi Bộ Tài chính để tiếp cận sát thực tế thị trường. Bộ cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Về ý kiến rút ngắn thời gian điều hành, theo ông Hoàng Anh Tuấn, trước đây theo Nghị định 83 là 15 ngày, tới Nghị định 95 được rút ngắn, chỉ còn điều hành vào ngày mùng 1, 10 và 21 để tiếp cận hơn với giá thế giới.

"Quan điểm ở góc độ điều hành là phải hài hòa giữa Nhà nước - doanh nghiệp (kinh doanh, tiêu dùng xăng dầu) và người dân. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng phải tham mưu với cấp có thẩm quyền khi điều hành, quản lý. Chúng tôi ghi nhận kiến nghị của doanh nghiêp để tham mưu với cấp có thẩm quyền", ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp đang quan tâm là có đủ nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ hay không. Trong thời gian vừa qua lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một số cửa hàng có tình trạng hết xăng để bán là đúng, nhưng do hoàn cảnh khách quan.

"Cơ quan quản lý thị trường tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội. Chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo lại với lãnh đạo Bộ, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp để trong thời gian ngắn nhất có thể hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ yên tâm kinh doanh xăng dầu, đảm bảo quyền của người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội", ông Lê nói.

Từ 15h ngày 21/9, giá xăng RON95 giảm 631 đồng/lít, xăng E5 RON92 giảm 450 đồng/lít , dầu diesel giảm 1.644 đồng/lít. Hiện giá bán ra với xăng RON95 là 22.584 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 21.781 đồng/lít - mức thấp nhất trong 9 tháng đầu năm.

Tương tự, giá dầu diesel cũng giảm mạnh 1.644 đồng/lít, xuống 22.536 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 1.977 đồng/lít, xuống 22.441 đồng/lít, giá dầu mazut giảm 383 đồng/kg, không cao hơn 14.656 đồng/kg.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gia-xang-dau-bien-dong-that-thuong-lo-goc-toi-thi-truong-ban-le-ar702333.html