Giá xăng dầu đi lên kéo CPI tháng 7 tăng gần 0,5%

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước.

Ảnh minh họa: Quách Sơn.

Ảnh minh họa: Quách Sơn.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2024 của Tổng Cục Thống kê công bố sáng 29/7, trong mức tăng 0,48% của CPI tháng này so với tháng trước đó (MoM), có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.

Đáng chú ý, trong tháng này, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng mạnh nhất, ở mức 3,77%, chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Tiếp theo đó là nhóm giao thông với mức tăng 1,45%, chủ yếu do: giá dầu diesel tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Mặt khác, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm. Trong đó, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,39% so với tháng trước; giá sửa chữa điện thoại tăng 0,19%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2024 tăng 4,36%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 10 nhóm tăng giá và một nhóm giảm giá.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 8,13%, tác động làm CPI chung tăng 0,44 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22 của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Giảm mạnh nhất vẫn là nhóm bưu chính, viễn thông với mức giảm 1,06%, chủ yếu do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

So với tháng 12/2023, CPI tháng Bảy tăng 1,89%.

Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, những nguyên nhân chính làm tăng CPI 7 tháng năm 2024 gồm:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,04%, tác động làm CPI chung tăng 1,36 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,52%, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm, chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá điện sinh hoạt và giá nước sinh hoạt tăng.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,5% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,22%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22 của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 3,43%, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng và dầu diesel tăng 3,6%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%).

Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2024 giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 18,11% so với tháng 12/2023; tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,77%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2024 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,85%.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-xang-dau-di-len-keo-cpi-thang-7-tang-gan-05-31727.html