Giá xăng dầu giảm nhờ thuế, giá hàng hóa khác có về mức cũ?
Dù đã giảm nhẹ ở kỳ điều hành ngày 21-3 nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn đang ở mức cao. Người dân háo hức chờ đợi giá xăng sẽ giảm từ ngày 1-4 tới khi thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này chỉ còn một nửa so với trước đó.
Xăng dầu giảm giá, hàng hóa có về mức cũ?
Chị Đinh Thu Huyền (Đống Đa- Hà Nội) cho biết: “Người dân rất quan tâm đến giá xăng dầu, từ 1-4 thuế giảm làm giá xăng dầu dù biến động thế nào cũng vẫn thấp hơn từ 1.000-2.000 đồng nên chúng tôi rất chờ đợi”.
Cùng chờ đợi thời điểm giá xăng được giảm, anh Nguyễn Hoàng Linh (Cầu Giấy- Hà Nội) cho hay: “Tôi đi xe ô tô cá nhân nên giá xăng giảm 2.000 đồng/lít là giảm được rất nhiều. Nhưng giá xăng dầu giảm thì cũng cần kéo giá các mặt hàng khác xuống nữa. Chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ hơn trong khi người dân việc làm khó khăn, thu nhập giảm do dịch bệnh”.
Là người trực tiếp "rút ví" chi tiêu sinh hoạt mỗi ngày, chị Thanh Hà (Hà Đông- Hà Nội) cho biết, giá nhiều loại rau xanh và thực phẩm chế biến sẵn như: sữa, mì ăn liền, muối, nước mắm… đều tăng đáng kể trong thời gian qua. “Mỗi thứ tăng một chút và đều vin vào giá xăng dầu tăng nên chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng. Giá xăng giảm thì những mặt hàng này có về mức cũ không?”- chị Thanh Hà băn khoăn.
Trước đó, ngày 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giảm thuế 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut và dầu nhờn bắt đầu từ ngày 1-4. Dù ở kỳ điều hành sắp tới, giá xăng có thể tăng hoặc giảm, thì giá mới vẫn được giảm “cứng” 1.000- 2.000 đồng/lít (kg). Nhiều chuyên gia nhận định, với quyết định giảm thuế này, giá xăng dầu trong nước thời gian tới sẽ được hạ nhiệt, giúp giảm nhẹ gánh nặng lên chi phí sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, giá các hàng hóa có về mức cũ hay không thì còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác vì xăng dầu đóng vai trò là mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế nhưng không phải là toàn bộ nên giá xăng dầu giảm có tác động tích cực đến giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Vừa qua, giá cả nhiều nguyên vật liệu sản xuất đã tăng đáng kể.
Rà soát lại chi phí kinh doanh xăng dầu
Tuy nhiên, mới đây Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại chi phí kinh doanh xăng dầu vì quy định cũ không còn phù hợp.
Về vấn đề này, ông Trịnh Quang Khanh- Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết: “Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức cho các thương nhân đầu mối từ năm 2014 không được thay đổi, hầu như giữ nguyên. Chi phí định mức theo nghị định 95 sau 1 năm mới được điều chỉnh. Điều này khó cho các đơn vị, không có quỹ bảo trợ cho hoạt động kinh doanh.
Các thương nhân đầu mối đã bị lỗ trong bối cảnh biến động của giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, gồm phụ phí Premium, vận tải, bảo hiểm... Premium tăng rất nhiều, gấp mấy lần nhưng cứ phải 6 tháng mới được điều chỉnh. Chúng tôi hy vọng những bất cập này được rút ngắn để các doanh nghiệp kinh doanh đỡ lỗ”.
Dù mới chỉ là đề xuất nhưng nếu việc xem xét, điều chỉnh chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được triển khai thì các loại phí có thể tăng lên, từ đó tác động đến giá bán lẻ xăng dầu.
Ngày 24-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có kịch bản, phương án rõ ràng và quyết liệt để bảo đảm an ninh năng lượng, cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.
Cơ quan thường trực của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí, lợi nhuận định mức... phù hợp thực tế, công khai và minh bạch.
Tại cuộc họp mới đây, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu với xăng. Đây được coi là một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô thế giới biến động.
Tại Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24-3 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu mới diễn ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Cụ thể, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép (xây dựng các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, các phương án thực hiện, đánh giá tác động đến mặt bằng giá và kinh tế xã hội...).
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.