Giá xăng dầu hôm nay 17-1: Dầu thô tiếp tục lập 'đỉnh'
Dầu thô lại tiếp tục hành trình chinh phục những 'đỉnh cao'. Giá dầu hôm nay 17-1 tiếp đà tăng quanh 1%.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 17-1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 2 tăng 1,11%, tương đương 0,93 USD, lên 84,75 USD/thùng.
Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 3 được giao dịch mở mức 86,68 USD/thùng, tăng 0,62 USD, tương đương 0,72%.
Kể từ đầu năm nay, giá dầu thô Brent đã tăng 11%, theo Bloomberg, lên tới hơn 86 USD/thùng, mở rộng đà tăng hơn 50% của mặt hàng dầu này vào năm ngoái.
Các nhà giao dịch cho biết, việc mua dầu “điên cuồng” do nguồn cung bị “gián đoạn” và dấu hiệu biến thể Omicron sẽ không gây nhiều xáo trộn như lo ngại đã đẩy giá không chỉ dầu Brent mà một số loại dầu thô khác lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Các nhà giao dịch dự đoán, đà tăng của giá dầu Brent giao sau có thể được duy trì thêm một thời gian nữa.
"Đây là những con số điên rồ”, một nhà kinh doanh dầu ở Biển Bắc cho biết dù nguồn cung dầu đang được “thắt chặt”.
Giá dầu “leo dốc” bởi một vài nhân tố. Thứ nhất là sự lây lan “kỷ lục” của biến thể Omicron vào quý 4-2021 không tác động nặng nề đến nhu cầu dầu đã gây ngạc nhiên cho các nhà máy lọc dầu hiện đang phải tăng cường sản xuất để bù đắp cho “khoảng trống” sản lượng trước đó.
Thứ hai là các cuộc biểu tình bạo lực ở Kazakhstan ngay đầu năm đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng ngừng hoạt động khai thác dầu kéo dài. Tuy tình trạng “gián đoạn” cung ở Kazakhstan không kéo dài, nhưng hình hình cung dầu giảm mạnh ở Libya, Canada và Ecuador trong tuần đầu của năm đã buộc giá dầu phải “gồng mình” lên dốc. Rất may là việc “gián đoạn” nguồn cung ở những quốc gia này đã tạm lui về “quá khứ”.
Thứ ba là các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đang phải chật vật để tăng sản lượng từ từ nhằm đáp ứng chính sách bổ sung thêm 400.000 thùng dầu vào tháng Hai của nhóm, theo quyết định hôm 4-1. OPEC + đã “phớt lờ” lời kêu gọi của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn khác trên thế giới là tăng nhanh sản lượng dầu cung ứng cho thị trường.
Một nhân tố khác cũng tác động vào giá dầu tăng là sự đình trệ trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, vốn cũng có thể thúc đẩy nguồn cung dầu.
"Hóa ra Omicron không tệ như vậy và các vấn đề về nguồn cung còn tồi tệ hơn dự đoán", một nhà kinh doanh dầu thô của Mỹ cho biết.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm nhiều hơn so với dự kiến, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2018.
Một thương nhân Mỹ lạc quan về nhu cầu khi mà mùa xuân và mùa hè đang đến gần. Tuy nhiên, ngược với nguồn cầu tăng, thì các nhà giao dịch lo ngại về nguồn cung “cạn kiệt” do các biến thể mới của vi rút corona, bảo trì các nhà máy lọc dầu theo mùa trong quý 2 năm nay và suy giảm nguồn cầu từ Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” giá dầu, Trung Quốc tuần trước đã thông báo sẽ giải phóng kho dự trữ dầu của mình. Còn các nhà phân tích dự đoán Mỹ sẽ giải phóng nhiều hơn 50 triệu thùng dầu đã cam kết.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.159 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.876 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.239 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.138 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.362 đồng/kg.