Giá xăng dầu hôm nay (17-8): Trượt dài sang phiên thứ 4?
Giá xăng dầu vẫn tiếp tục giảm do thị trường lo ngại cho sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Giá dầu đang hướng tới tuần giảm đầu tiên sau 7 tuần tăng.
Giá dầu thế giới
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 16-8, giá dầu đã giảm xấp xỉ 2%, ghi nhận cú hat-trick trượt dốc.
Giá dầu lao dốc bất chấp sự giảm mạnh trong dự trữ dầu thô của Mỹ do các nhà đầu tư lo lắng về nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc trước những kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt hơn ở Mỹ.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,44 USD, tương đương 1,7%, xuống mức 83,45 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 1,61 USD, tương đương 2%, xuống mức 79,38 USD/thùng.
Cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều đã giảm hơn 1% trong phiên trước đó xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8-8.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra ngày 16-8 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm gần 6 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 11-8 do xuất khẩu và tốc độ lọc dầu mạnh mẽ, mặc dù sản lượng dầu thô tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Cũng theo EIA, tồn kho xăng giảm khiêm tốn 300.000 thùng, tồn kho các sản phẩm chưng cất tăng 300.000 thùng.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC tại Galena, Illinois nhận xét: “Mức giảm (dự trữ) của tuần này chỉ đơn giản là bù đắp cho việc tăng bất ngờ tới 6 triệu thùng vào tuần trước”. Ritterbusch dự đoán trong tuần tới, “chúng ta có thể thấy xuất khẩu giảm mạnh có thể sẽ thúc đẩy dự trữ dầu thô tăng trái mùa".
Giá dầu giảm song hành với chứng khoán sau khi thị trường tiếp nhận biên bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ đã có những quan điểm trái chiều về nhu cầu tăng lãi suất tại cuộc họp hồi tháng 7.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Trong khi đó, nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc vẫn là tâm điểm chú ý sau khi doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số liệu đầu tư không đáp ứng được kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn.
Số liệu hoạt động tháng 7 đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nếu không có thêm các biện pháp kích thích tài khóa, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách thực hiện các bước mang tính quyết định.
Cả OPEC+ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều đang “trông cậy” vào Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - để kích thích nhu cầu dầu thô trong những tháng còn lại của năm.
Nhà phân tích Tamas Varga của PVM cho biết, trong khi các chỉ số kinh tế ảm đạm của Trung Quốc đang gây đau đầu - lý do chính đáng để các nhà đầu tư tiếp tục “phòng thủ” - thì cán cân dầu mỏ toàn cầu không có dấu hiệu nới lỏng.
Việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga đã đẩy giá dầu tăng liên tiếp 7 tuần qua. Các số liệu được công bố trong ngày 16-8 cho thấy xuất khẩu dầu thô của Riyadh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2021.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-8 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.822 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 23.993 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 22.425 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 21.889 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 17.668 đồng/kg.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.