Giá xăng dầu hôm nay 19/3: Sụp đổ ngân hàng dầu có tuần giảm sâu
Thị trường chứng khoán chao đảo về các tin tức liên quan đến ngân hàng và lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới khiến giá dầu ghi nhận tuần trượt dốc. Cả dầu Brent và WTI giảm sâu hơn 10%.
Tính cả tuần, giá dầu Brent đã giảm gần 12% - mức giảm hằng tuần lớn nhất kể từ tháng 12/2022 và giá dầu WTI đã giảm 13% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2022.
Tuần này, giá dầu chịu tác động mạnh bởi sự phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank - SVB), việc đóng cửa Ngân hàng Signature có trụ sở tại New York, và sự điêu đứng của một số ngân hàng lớn khác. Trong mỗi phiên, giá dầu đều biến động mạnh, giảm sâu.
Các nhà phân tích cho biết, lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ gia tăng sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng vào cuối tuần trước khiến giá dầu ngày 14/3 giảm mạnh.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 14/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2023 đứng ở mức 74,80 USD/thùng, giảm 0,11 USD trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 13/3, giá dầu WTI giao tháng 5/2023 đã giảm tới 2,36 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2023 đứng ở mức 80,73 USD/thùng, giảm 0,05 USD trong phiên và đã giảm tới 2,5 USD so với cùng thời điểm ngày 13/3.
Nhận định của các chuyên gia, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cơ quan quản lý của California (Mỹ) đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), vốn tập trung đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ đã làm chao đảo thị trường chứng khoán.
Tiếp đó, ngày Chủ nhật, các cơ quan quản lý cũng đã đóng cửa Ngân hàng Signature Bank có trụ sở tại New York. Nhiều nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của các ngân hàng đã được chỉ ra, trong đó, theo giới chuyên gia một phần là do những hệ quả của việc đẩy lãi suất lên cao của Fed.
Thị trường đang đặt cược vào mức tăng 25 điểm phần trăm lãi suất của Fed trong cuộc hợp chính sách diễn ra vào tháng này, thay vì mức dự báo tăng 50 điểm phần trăm trước đó.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin sản lượng dầu thô Mỹ sẽ được đẩy lên mức cao nhất kể từ năm 2019 vào tháng 4/2023.
Lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng, áp lực lãi suất leo cao tác động lên triển vọng tiêu thụ toàn cầu đẩy giá dầu tiếp tục tụt giảm mạnh.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 18/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2023 đứng ở mức 66,53 USD/thùng, giảm 1,99 USD trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2023 đứng ở mức 72,53 USD/thùng, giảm 2,17 USD trong phiên.
Tại Mỹ, các chuyên gia phố Wall đã bắt đầu có những cảnh báo, tranh luận về việc nền kinh tế nước này liệu có rơi vào suy thoái trong vài tháng tới hay không sau sự sụp đổ của của 3 ngân hàng Silvergate, Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Báo cáo của JPMorgan (Mỹ) phát đi ngày 15/3, các chuyên gia của ngân hàng này đã nhận định tốc độ tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng cỡ trung suy giảm có thể khiến GDP Mỹ giảm 0,5 - 1% trong 1 - 2 năm tới.
Lo ngại suy thoái, khủng hoảng kinh tế đang gia tăng, khi các ngân hàng trung ương vẫn giữ quan điểm về việc tăng lãi suất để chống lạm phát. Sau ECB với mức tăng 50 điểm cơ bản, Fed cũng được nhận định sẽ thực hiện mức tăng 25 điểm phần trăm lãi suất vào cuộc họp chính sách diễn ra vào đầu tuần tới.
Điều này cũng là yếu tố tạo áp lực đè nặng, khiến giá dầu hôm nay đi xuống. Giá dầu ngày 18/3 giảm mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin một lượng dầu lớn đã được bổ sung vào kho dự trữ chiến lược của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/3.
Trước những biến động của giá dầu tuần này, Natasha Kaneva, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại JP Morgan, người đã từng kỳ vọng giá dầu Brent sẽ giao dịch trung bình ở mức 89 USD/thùng trong quý II năm nay, đã phải nhận xét rằng giá dầu khó có thể quay trở lại mức đó trong thời gian tới. Thay vào đó, giá sẽ giao dịch trong khoảng từ 70 - 80 USD/thùng, trừ khi có sự thay đổi trong chiến lược của OPEC hay sự bổ sung mạnh cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.