Giá xăng dầu hôm nay (19-5): Đồng USD tăng đẩy giá dầu giảm
Sự trỗi dậy của đồng USD và khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất đẩy giá xăng dầu lao dốc. Đầu phiên, Brent duy trì mức giảm 1 USD, WTI tăng nhẹ.
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18-5, giá dầu giảm khoảng 1% sau khi dữ liệu kinh tế vững chắc của Mỹ đẩy đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hai tháng do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất vào trung tuần tháng 6.
Theo Reuters, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 1,1 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 75,86 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 97 cent, tương đương 1,3%, xuống mức 71,86 USD/thùng.
Đồng USD mạnh ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ bằng cách làm cho nhiên liệu này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Theo Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, Lorie Logan và Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard, lạm phát của Mỹ dường như không hạ nhiệt đủ nhanh để cho phép Fed tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất được khởi động từ hơn một năm trước.
Thống đốc Fed và ứng cử viên phó chủ tịch Philip Jefferson này 18-5 cũng cho biết trong khi tiến trình lạm phát đang chậm lại, vẫn còn quá sớm để cảm nhận đầy đủ tác động của những đợt tăng lãi suất nhanh chóng đó.
Hôm nay (19-5), Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến có bài phát biểu. Các nhà đầu tư dự đoán, ông Powell sẽ cập nhật những quan điểm về khả năng tạm dừng hay tiếp tục tăng lãi suất dựa trên những dữ liệu kinh tế tổng hợp từ cuộc họp cuối cùng của Fed vào đầu tháng 5.
Lãi suất cao làm tăng chi phí đi vay và hậu quả là có thể làm chậm nền kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dữ liệu và phân tích OANDA, nhận xét, tin tốt cho nền kinh tế hiện là tin xấu cho triển vọng nhu cầu dầu thô vì khả năng phục hồi kinh tế sẽ buộc Fed phải "giết chết" nền kinh tế.
Trong một báo cáo đưa ra vào ngày 18-5, ANZ Research nhấn mạnh, dữ liệu kinh tế của Mỹ trong tháng 4 cùng với sự lạc quan về các cuộc đàm phán trần nợ đã củng cố kỳ vọng của thị trường về một đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Trước đó, ngày 17-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh quyết tâm đạt được thỏa thuận nâng trần nợ 31,4 nghìn tỉ USD bởi theo Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Biden, Lael Brainard, việc vỡ nợ sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos cho biết ECB sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn là 2% mặc dù hầu hết các biện pháp thắt chặt đã được thực hiện.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là sự trượt dốc của các cổ phiếu blue-chip ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sau khi sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ của nước này thấp hơn dự báo, cho thấy đà phục hồi kinh tế đang mất đà.
Một yếu tố khác có thể làm giảm nhu cầu dầu là vụ hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Salina Cruz thuộc sở hữu của Công ty dầu mỏ nhà nước Mexico Pemex. Các công nhân đã được sơ tán, không có ai bị thương và ngọn lửa đã được kiểm soát.
Về phía cung, xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi đã tăng khoảng 1% lên 7,52 triệu thùng/ngày trong tháng 3 so với tháng trước, theo dữ liệu từ JODI. Tuy nhiên, Kpler và Petro Logistics cho biết xuất khẩu của Arab Saudi có thể đã giảm trong tháng 5 do cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của vương quốc này và các thành viên của OPEC+.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19-5 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.131 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 21.000 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 17.653 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 17.972 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 14.862 đồng/kg.