Giá xăng dầu hôm nay 20/7: Chịu áp lực chốt lời, thị trường lạc quan về việc tăng lãi suất
Giá xăng dầu thế giới sáng nay chịu áp lực giảm nhẹ khi giới đầu tư tiến hành chốt lời. Hiện thị trường đang lạc quan rằng một số ngân hàng trung ương lớn sắp kết thúc chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá xăng dầu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm nhẹ, chủ yếu do giới đầu tư tiến hành chốt lời sau đà phục hồi vừa diễn ra.
Cụ thể, vào lúc 8h00 sáng (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 79,38 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 75,17 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent giảm nhẹ xuống mức 79,46 USD/thùng; giá dầu thô WTI giảm còn 75,35 USD/thùng.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích thị trường Phil Flynn thuộc hãng chứng khoán Price Futures, việc giá dầu thô bật tăng mạnh hơn 1 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 18/7 đã kích hoạt giới đầu tư tiến hành chốt lời, tạo áp lực giảm lên trên thị trường. Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường tiền tệ cũng khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiên này như dầu thô trở nên kém hấp dẫn với giới đầu tư hơn.
Trước đó, giá xăng dầu trên thế giới đã được hỗ trợ tích cực nhờ thông tin Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm “vực dậy và mở rộng tiêu dùng”. Thị trường kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên sẽ giúp cải thiện triển vọng nhu cầu sử dụng cũng như giá xăng dầu các loại trong thời gian tới.
Trong phiên giao dịch sáng nay, đà giảm của giá dầu thô phần nào được kìm hãm khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm 708.000 thùng. Con số này tuy thấp hơn dự báo giảm 2,4 triệu thùng của giới phân tích nhưng gần tương đương với mức giảm 800.000 thùng do Viện Dầu khí Hoa Kỳ đưa ra trước đó.
Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy lượng xăng dầu thuộc Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Hoa Kỳ (SPR) đã lần đầu tiên tăng trở lại kể từ năm 2021 trong bối cảnh Chính phủ Hoa Kỳ đang tái dự trữ nhiên liệu. Điều này cho thấy, trong ngắn hạn, Hoa Kỳ khó có thể xả bán dầu thô ra thị trường như đã làm trong năm ngoái để “hạ nhiệt” đà tăng nóng của giá năng lượng.
Đồng thời, thị trường cũng đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ chỉ tăng lãi suất thêm lần cuối trong tháng 7 này khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ tại Hoa Kỳ trong tháng 6/2023 tăng thấp hơn dự báo.
Xem thêm: "Thị trường kỳ vọng lãi suất của FED sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 7 này" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đồng thời, ông Klaas Knot – thành viên của Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết “không chắc chắn” trong việc ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách tuần sau. Điều này càng củng cố tâm lý lạc quan của thị trường trước vấn đề lạm phát và triển vọng chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu đang đi đến hồi kết.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu đã được điều chỉnh vào đầu tuần trước (ngày 11/7). Ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng dao động không đáng kể, giá dầu neo theo giá thế giới.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 51 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.419 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.497 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng 447 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.616 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 394 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.320 đồng/lít; và giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 665 đồng/kg, ở mức không cao hơn 15.288 đồng/kg.