Giá xăng dầu hôm nay 23/8: Những chỉ báo không lạc quan
Nhiều chỉ báo không lạc quan đối với thị trường dầu thô đã được ghi nhận và khiến giá xăng dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.
Trong bối cảnh lo ngại về dịch Covid-19 tiếp tục làm ảnh hưởng đến khả năng cải thiện nhu cầu dầu trên thị trường, giá xăng dầu hôm nay 23/8 đã khép tuần giao dịch giảm mạnh.
Giá dầu tuần qua tiếp tục chịu sự chi phối mạnh của tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như diễn biến căng thẳng Mỹ - Trung.
Trong những phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu có xu hướng tăng nhẹ khi thị trường đặt kỳ vọng việc vắc-xin Covid-19 được tiêm trên diện rộng sẽ giúp cải thiện mạnh nhu cầu dầu trên thị trường khi các hoạt động kinh tế bị gián đoạn bởi dịch bệnh được khôi phục trở lại.
Ngoài ra, giá dầu tăng còn do thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ giá dầu trong thời gian tới.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh, ngày 17/8, cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã vực dậy được đà giảm của giá dầu thô và ổn định thị trường dầu mỏ.
Ở một diễn biến khác, theo ước tính của Ngân hàng ANZ, nhu cầu dầu thô trên thị trường đã tăng 8 triệu thùng/ngày trong 4 tháng qua, lên mức 88 triệu thùng/ngày.
Còn theo Reuters, các doanh nghiệp dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã đặt lịch các tàu chở dầu vận chuyển ít nhất 20 triệu thùng dầu Mỹ trong các tháng 8 và tháng 9/2020.
Tuy nhiên, thị trường dầu thô cũng ghi nhận một loạt các yếu tố rủi ro, quan ngại làm cảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, qua đó làm chậm quá trình cải thiện nhu cầu dầu trên thị trường, khiến giá dầu có xu hướng giảm.
Đầu tiên đó là lo ngại về một cuộc “xung đột kinh tế” trên diện rộng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung có thể diễn ra sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào một đợt khủng hoảng, suy thoái chưa từng có.
Bên cạnh đó, một loạt các dữ liệu kinh tế mới vừa được công bố cộng với dự báo nhu cầu dầu giảm trong năm 2020 được đưa đưa ra trước đó cũng tạo áp lực giảm giá lên giá dầu hôm nay.
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Sáu (14/8), doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 đã tăng chậm lại, chỉ tăng 1,2% so với tháng trước, trong khi mức tăng của tháng 6 lên tới 8,4%. So với cùng kỳ, doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 2,7%. Các nhà kinh tế theo thăm dò của Reuters dự báo, doanh số bán lẻ trong tháng 7 sẽ tăng 1,9%.
Chỉ số Sản xuất Philly Fed đã giảm xuống 17,2 so với mức 21,0 được dự báo. Đồng thời, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 1,106 triệu, so với kỳ vọng là 0,930 triệu.
Từ thực tế trên, sau cuộc họp chính sách vừa kết thúc ngày 19/8, FED đã bày tỏ quan ngại về triển vọng kinh tế Mỹ, đặc biệt khi gói hỗ trợ, kích thích mới mà Cơ quan này cho rằng là cần thiết đối với nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang bế tắc.
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia là một nhân tố tác động tiêu cực đối với các đánh giá mức độ cải thiện nhu cầu năng lượng trên thị trường.
Giá dầu có xu hướng giảm còn do giới đầu tư đang lo ngại việc Mỹ chưa đạt được sự đồng thuận trong việc triển khai gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mới sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu nói chung, và dầu thô nói riêng tại Mỹ sẽ giảm mạnh.
Về phía cung, trong khi các nước OPEC+ đang nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu nhằm hỗ trợ giá dầu thì rất có thể trong thời gian tới, thị trường dầu thô sẽ được bổ sung một sản lượng lớn đến từ Lybia.
Cụ thể, ngày 19/8, ướng Naji al-Moghrabi, Chỉ huy trưởng Lực lượng Bảo vệ Lắp đặt Dầu khí (GIP) ở miền Đông Libya cho biết các nhóm trung thành với Tướng Khalifa Haftar đã thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa áp đặt đối với các mỏ dầu và bến cảng, đồng thời nối lại việc xuất khẩu và sản xuất dầu thô.
Trước đó, hồi tháng 4/2020, OPEC+ đã có thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5/2020. Việc cắt giảm này được kéo dài đến hết tháng 7/2020 trước khi OPEC+ thực hiện nới lỏng thỏa thuận với việc điều chỉnh mức cắt giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 8/2020. Nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ được đánh giá là có hiệu quả khi đã hỗ trợ giá dầu dần phục hồi trong thời gian vừa qua.
Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2020 đứng ở mức 42,84 USD/thùng, giảm 0,57 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2020 đứng ở mức 44,30 USD/thùng, giảm 0,60 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay như sau: Giá xăng E5 RON92 không cao hơn 14.409 đồng/lít; giá xăng RON95-III không cao hơn 14.922 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 12.201 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 10.207 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 11.183 đồng/kg.