Giá xăng, dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải 'gồng mình' trước khó khăn
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp làm cho hoạt động vận tải, kể cả vận tải hành khách và hàng hóa chưa thể phục hồi hoàn toàn thì giá xăng, dầu có thời điểm liên tiếp lập đỉnh và ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua đã khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Khó khăn chồng thêm khó khăn
Từ chiều ngày 10/12/2021, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm còn 22.800 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm còn 22.080 đồng/lít và giá dầu diesel 0.05S cũng giảm còn 17.330 đồng/lít. Mặc dù đây là lần giảm giá thứ 2 liên tiếp trong năm nay nhưng so với các năm trước, giá xăng, dầu năm nay vẫn ở mức cao.
Theo đó, trong 1 năm qua, giá xăng, dầu trong nước đã tăng tới 15 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần. Theo một số DN hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, năm nay, ngành Vận tải gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, việc hoạt động vận tải hàng hóa giảm rất sâu, còn vận tải hàng khách “đóng băng” toàn bộ. Khi các DN được phép hoạt động trở lại thì giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh, có thời điểm giá xăng RON 95 lập đỉnh ở mức 24.990 đồng/lít vào đầu tháng 10, mức cao nhất trong 7 năm qua khiến các DN rất khó khăn. Theo tính toán của các DN, giá xăng, dầu thường chiếm khoảng từ 30 - 40% giá thành vận tải.
Hợp tác xã (HTX) Vận tải Trường Thịnh TG chi nhánh Long An những tháng qua đang phải “gồng mình” để duy trì hơn 70 đầu xe của các thành viên hoạt động. Theo ông Trí - đại diện HTX Vận tải Trường Thịnh TG chi nhánh Long An, những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và giá nhiên liệu liên tục lập đỉnh khiến khó khăn lại chồng thêm khó khăn. Hiện hoạt động vận tải, doanh thu chính của HTX bị thu hẹp do dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao. Dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa sụt giảm sâu, có thời điểm chạm đích 100%.
Trong khi đó, vận tải là khâu không thể tách rời trong chuỗi phục vụ đời sống người dân thường ngày mà trước tiên phục vụ người đang ở tuyến đầu chống dịch và bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy trong và sau dịch bệnh. “Mấy tháng qua, hầu như hoạt động vận tải hàng hóa của đơn vị đều lỗ, rất khó khăn” - ông Cao Minh Trí - Phó Giám đốc HTX Vận tải Trường Thịnh TG chi nhánh Long An, cho biết.
Còn ông Lê Phước Hữu - Giám đốc HTX Vận tải Châu Thành, khẳng định: Mấy tháng nay, 14 đầu xe buýt của đơn vị vẫn phải “trùm mền” chờ ngày hoạt động. Khó khăn do dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến đơn vị. Tuyến xe buýt Thanh Vĩnh Đông - Chợ Lớn của đơn vị chưa hoạt động trong khi mấy tháng qua, chi phí bảo dưỡng xe các thành viên vẫn phải bỏ ra.
Bên cạnh đó, giá cả tăng liên tục, tiền tài xế tăng, tiền bảo dưỡng tăng cộng thêm giá xăng, dầu ở mức cao cũng khiến đơn vị chịu nhiều áp lực trước khi hoạt động trở lại. “Chúng tôi hiện phải “gồng mình” cầm cự để mong trở lại như thời điểm trước dịch” - ông Lê Phước Hữu cho biết.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ, tăng giá vé
Theo Trưởng phòng Vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Phúc, hiện nay, có nhiều đơn vị gửi văn bản đến Sở Giao thông Vận tải, nhất là các đơn vị chạy tuyến xe buýt, tuyến cố định đề nghị chấp thuận cho tăng giá cước vận tải hành khách để hỗ trợ các DN giảm bớt khó khăn trước ảnh hưởng của dịch cũng như áp lực từ việc tăng giá xăng, dầu.
Ông Lê Phước Hữu - Giám đốc HTX Vận tải Châu Thành, cho rằng: 7 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng đơn vị vẫn cố gắng duy trì mức giá cước 27.000 đồng/lượt suốt tuyến cho tuyến xe buýt Thanh Vĩnh Đông - Chợ Lớn. Tuy nhiên, năm nay, đơn vị chịu ảnh hưởng quá lớn từ “tác động kép”. “Do đó, chúng tôi vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải cho phép đơn vị tăng giá cước thêm 7.000 đồng/lượt suốt tuyến để bù lại phần nào áp lực khi tuyến xe buýt hoạt động trở lại phục vụ người dân” - ông Lê Phước Hữu cho biết.
Tương tự, hiện nay, tuyến xe buýt 628 Tân An - Chợ Lớn cũng chưa hoạt động trở lại và gặp nhiều khó khăn. Để chuẩn bị cho việc hoạt động trở lại, ngay từ đầu tháng 10, HTX Trung Dũng đã kiến nghị cho phép tuyến xe buýt được hoạt động. Dịch Covid-19 tác động trực tiếp cùng với giá xăng, dầu tăng, các thành viên HTX cũng thống nhất kiến nghị điều chỉnh tăng giá vé với mức tăng thêm 5.000 đồng cho một lượt suốt tuyến, lên 25.000 đồng/lượt.
Ông Trần Thanh Phong, HTX Vận tải Trung Dũng, cho rằng: “Khi chính thức hoạt động trở lại với 17 đầu xe của HTX chạy 56 tài 2 đầu bến, tính ra nếu được tăng giá vé sẽ giúp đơn vị giảm được phần nào khó khăn. Đây cũng là giải pháp trước mắt để đơn vị hoạt động giảm bớt tình trạng lỗ chi phí, thu không đủ chi”.
Bên cạnh đó, theo một số đơn vị vận tải, việc giá xăng, dầu điều chỉnh tăng mạnh trong suốt thời gian qua đã tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt DN vận tải vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. DN nào có số lượng xe càng lớn, chạy càng nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu; đồng thời, chi phí vận tải còn phát sinh ngày càng tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch cũng khiến các DN thêm khó khăn.
Ông Trí - đại diện HTX Vận tải Trường Thịnh TG chi nhánh Long An, khẳng định: “Trên thực tế, ôtô là tài sản của các thành viên, chủ yếu nhờ vay mượn, đa số là vay ngân hàng. Giờ nếu vì giá xăng, dầu tăng mà không chạy thì sẽ không có thu nhập, mất đối tác, trong khi đó các món nợ, lãi vay vẫn phải trả đều hàng tháng. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn sớm nhận được các chính sách hỗ trợ như giãn nợ, giảm lãi suất cho vay để duy trì hoạt động của HTX”.
Ngoài ra, theo một số DN vận tải hành khách, hiện nay, hoạt động vận tải hành khách tuy đã được khôi phục nhưng trên thực tế, hành khách đi xe rất ít. Hầu hết các tuyến xe buýt, tuyến cố định đang hoạt động trên địa bàn tỉnh rời bến chỉ với một vài hành khách cùng số ít hàng hóa, trong khi đó giá xăng, dầu, chi phí vận hành liên tục tăng. Nhiều đơn vị hoạt động vận tải hành khách tính toán nếu một chuyến xe chạy không được 40 - 50% hành khách thì cầm chắc lỗ. Các giải pháp chia sẻ khó khăn, hỗ trợ chính sách đang là mong mỏi của các DN vận tải để duy trì hoạt động, giúp các DN vận tải vượt khó trong thời điểm hiện nay./.
Hầu hết các tuyến xe buýt, tuyến cố định đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đa số xe rời bến chỉ với một vài hành khách cùng số ít hàng hóa, trong khi đó giá xăng, dầu, chi phí vận hành liên tục tăng. Nhiều đơn vị hoạt động vận tải hành khách tính toán nếu một chuyến xe chạy không được 40 - 50% hành khách thì cầm chắc lỗ.
Các giải pháp chia sẻ khó khăn, hỗ trợ chính sách đang là mong mỏi của các doanh nghiệp vận tải để duy trì hoạt động, giúp các doanh nghiệp vận tải vượt khó trong thời điểm hiện nay”.