Giá xăng, dầu tăng, chất lượng sống giảm?

Giá xăng, dầu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay đã tác động đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động kinh doanh xăng dầu tại một cửa hàng trên địa bàn phường An Tảo (thành phố Hưng Yên)

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 21.6, xăng Ron 95 III có giá 32.870 đồng/lít, xăng E5 Ron 92 ở mức 31.300 đồng/lít, dầu đi-ê-zen loại 0,05S giá 30.010 đồng/lít... Ðây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay, kéo theo hệ lụy giá nguyên vật liệu tăng theo. Ông Nguyễn Công Tỵ, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải – Thực phẩm Hoàng Vinh (Ân Thi) chia sẻ: Hiện nay, chi phí xăng, dầu chiếm 25-30% tổng chi phí sản xuất của đơn vị, tác động mạnh vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Giá xăng liên tục tăng cao khiến giá nguyên liệu tăng gấp 3 - 4 lần so cùng kỳ năm trước, buộc đơn vị phải lên phương án tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.
Tương tự, Bà Nguyễn Thị Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng Đức (Kim Động) cho biết: Hiện nay, chi phí đầu vào sản xuất vật liệu xây không nung của công ty đã tăng khoảng 40-50% so với năm trước, trong đó xăng, dầu chiếm khoảng 35% giá thành. Giá xăng, dầu tăng cao đã gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp. Hiện nay, đơn vị phải giảm công suất xuống còn 60%, giá sản phẩm chỉ tăng khoảng 10% nhằm giảm lỗ do yếu tố cạnh tranh thị trường và nhu cầu của người dân giảm xuống, chưa kể lượng hàng tồn kho lớn. Giải pháp hiện nay của công ty là duy trì sản xuất cầm chừng, cho các nhà bán lẻ nợ tiền hàng kéo dài thêm từ 1 đến 3 tháng, cố gắng xoay xở trong "cơn bão giá" hiện nay.

Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp vận tải, giá xăng, dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí đầu vào của ngành vận tải, chính vì vậy chi phí nhiên liệu tăng đã khiến ngành này gặp rất nhiều khó khăn. Theo các đơn vị vận tải, từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu điều chỉnh tăng 11 đợt, với mức tăng cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, thị trường vận tải vẫn chưa hồi phục so với thời gian trước dịch Covid-19. Lượng khách đi xe chỉ đạt 40-50% so với trước dịch, riêng đối với các tuyến vận tải khách cố định, lượng khách còn thấp hơn nhiều. Lượng khách giảm, trong khi giá xăng, dầu tăng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn phải tái cơ cấu, nhiều phương tiện phải nằm bãi. Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Hoàng Thắng (Văn Giang) cho biết: Chưa kịp phục hồi sau dịch Covid-19 lại tiếp tục chịu áp lực từ việc giá xăng, dầu liên tục tăng cao đã khiến các đơn vị vận tải gặp nhiều khó khăn. Ðể thích ứng, công ty phải điều chỉnh giá cước, giảm tần suất các chuyến xe không hiệu quả, hoặc chuyển sang những loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn. Người lao động ít việc làm, thu nhập giảm sút, tuyển dụng lái xe rất khó khăn.

Đối với đời sống người dân, giá xăng, dầu tăng cao cũng tác động mạnh đến sinh hoạt hằng ngày, bởi giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Do ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn “bão giá”, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn xã Liêu Xá (Yên Mỹ) đã tăng giá thuê nhà. Tiền thuê nhà đồng loạt được nâng lên 100.000 - 300.000 đồng/phòng so với trước đó. Chị Đào Yến Ngọc, sinh sống trên địa bàn xã Liêu Xá cho biết: Cuối tháng 5 vừa qua, tôi hết hạn hợp đồng thuê phòng trọ. Khi tôi muốn gia hạn hợp đồng thì được chủ nhà trọ thông báo, giá phòng trọ đã tăng từ 1 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng với căn phòng rộng hơn 10m2. Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, giá xăng tăng cùng các chi phí khác khiến tôi phải “bóp ví” chi tiêu.

Anh Nguyễn Văn Vũ, lái xe taxi cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lái xe chúng tôi đã nghỉ một thời gian, sau khi quay lại hoạt động, giá xăng tăng đã ảnh hưởng khá lớn đến thu nhập của lái xe taxi. Lượng khách ít, thu nhập giảm, tôi chưa có gia đình chỉ đủ mức sống trung bình cho bản thân, còn đối với những người đã có gia đình thì gặp rất nhiều khó khăn.

Theo khảo sát của phóng viên, giá xăng, dầu tăng khiến các tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống cũng lo lắng khi giá nhập các mặt hàng thiết yếu được điều chỉnh tăng lên từng ngày. Nếu không tăng giá bán thì không có lãi nhưng nếu tăng nhiều quá thì lại không có khách mua. Giá cả các loại thực phẩm như: Rau, củ, quả; thịt, hải sản… trung bình tăng từ 5 đến 10%. Giá xăng, dầu, gas đang ở mức cao nhưng theo dự báo, với tình hình thế giới hiện nay, rất khó để giá xăng, dầu hạ nhiệt trong thời gian tới. Điều đó cũng đồng nghĩa cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân, nhất là những người thu nhập thấp sẽ còn gặp khó khăn. Chị Bùi Thị Thảo ở xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) cho biết: Với mức thu nhập của gia đình làm nông nghiệp, chồng làm công nhân mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, thì khi giá gas tăng, tôi phải cân đối lại chi tiêu trong gia đình. Hiện không chỉ một bình gas 12 kg tăng lên trên 500.000 đồng, mà nhiều mặt hàng thực phẩm đều tăng, đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của nhiều gia đình.

Trước xu thế giá xăng, dầu vẫn giữ đà tăng do ảnh hưởng của tình hình thế giới, người dân, doanh nghiệp đã và đang chủ động tổ chức lại việc chi tiêu hằng ngày, áp dụng các biện pháp sản xuất, kinh doanh hợp lý, tăng cường tiết kiệm nhiên liệu, đặc biệt là xăng, dầu. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân và doanh nghiệp mong muốn các biện pháp trợ giá, bình ổn giá xăng, dầu của Nhà nước, để đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm bớt khó khăn.

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202206/gia-xang-dau-tang-chat-luong-song-giam-a711153/