Giá xăng, phí bảo hiểm y tế kéo CPI tháng 7 tăng 4,36%

Chỉ số giá tiêu dùng tính riêng tháng 7 đã tăng 4,36% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh.

 Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 tăng 1,45% so với tháng trước vì giá dầu diezen tăng 4,07% và giá xăng tăng 3,55%. Ảnh: Chí Hùng.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 tăng 1,45% so với tháng trước vì giá dầu diezen tăng 4,07% và giá xăng tăng 3,55%. Ảnh: Chí Hùng.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với cuối năm 2023 và cao hơn 4,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.

Bình quân 7 tháng năm nay, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước còn lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

Tháng 7 vừa rồi, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ ghi nhận chỉ số giá tăng so với tháng trước.

Trong đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77%. Đáng chú ý nhất là giá bảo hiểm y tế tăng 28,5% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Nhóm giao thông cũng tăng 1,45% (khiến CPI chung 0,14 điểm %), chủ yếu do giá dầu diezen tăng 4,1% và giá xăng tăng 3,6%. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,4%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng.

Riêng giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0,18% so với tháng trước, điển hình như giá ôtô mới giảm 0,3%; xe máy giảm 0,2%; ôtô đã qua sử dụng giảm 0,03% nhờ các chương trình ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 1,4%; nước sinh hoạt tăng 0,2%. Giá dầu hỏa tăng hơn 4% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá gas giảm 0,01% do một số cửa hàng giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng 0,26% trong tháng vừa qua (khiến CPI chung tăng 0,09 điểm %), trong đó lương thực giảm 0,03%; thực phẩm tăng 0,3%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3% do đang trong tháng cao điểm du lịch.

Tương tự, nhóm hàng hóa, dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14% trong tháng 7 và nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 0,13%.

Một số hàng hóa, dịch vụ khác nằm trong nhóm tăng so với tháng trước còn có đồ uống và thuốc lá, thiết bị và đồ dùng gia đình, may mặc, mũ nón và giày dép…

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước và tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-xang-phi-bao-hiem-y-te-keo-cpi-thang-7-tang-4-36-post1488969.html