Giá xăng tại Mỹ quay đầu giảm

Giá dầu lao dốc kéo giá xăng tại Mỹ quay đầu sụt giảm. Nhưng các chuyên gia cảnh báo đà giảm có thể khó kéo dài.

Theo CNN, sau hơn một tháng giá xăng tăng phi mã, các tài xế ở Mỹ đã thở vào nhẹ nhõm sau khi giá xăng quay đầu giảm nhẹ.

Theo AAA, giá xăng trung bình tại Mỹ giảm từ 4,33 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít) hôm 14/3 xuống còn 4,32 USD/gallon. Mức giảm không nhiều, nhưng vẫn là mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 8/2021.

Tuy nhiên, giá xăng vẫn ở mức kỷ lục. Tuần trước, giá đã xô đổ kỷ lục 4 lần liên tiếp chỉ trong vọn vẻn một tuần. Tốc độ tăng giá có lúc vượt thời điểm cơn bão Katrina đổ bộ vào Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ hồi năm 2005, tàn phá các giàn khoan và nhà máy lọc dầu trong khu vực.

 Giá dầu lao dốc khiến giá xăng quay đầu giảm nhẹ. Ảnh: Reuters.

Giá dầu lao dốc khiến giá xăng quay đầu giảm nhẹ. Ảnh: Reuters.

Giá tăng 22% vì xung đột tại Ukraine

Tính từ ngày 23/2, một ngày trước khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine, giá xăng trung bình tại Mỹ tăng 0,78 USD/gallon, tương đương 22%.

Giá xăng tăng vọt sau khi giá dầu thế giới liên tiếp lập đỉnh mới do lo ngại về những gián đoạn đối với nguồn cung dầu của Nga. Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới.

Vào tháng 12 năm ngoái, Nga xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm khác ra toàn cầu, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô được sử dụng để sản xuất xăng.

Giá xăng dầu tại Mỹ tăng mạnh ngay cả khi rất ít dầu Nga được đưa sang Mỹ. Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 90.000 thùng dầu Nga mỗi ngày trong tháng 12/2021. Trong khi đó, châu Âu và Trung Quốc chiếm lần lượt 60% và 20% lượng dầu xuất khẩu của Nga.

 Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sau khi phương Tây áp các lệnh trừng phạt chưa từng có lên nền kinh tế Nga, hầu như mọi nhà giao dịch đều né tránh dầu Nga. Bởi có quá nhiều bất ổn xoay quanh loại hàng hóa này.

Theo ước tính gần đây của JPMorgan Chase, hơn 4 triệu thùng dầu của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Vì thế, các nhà đầu tư định giá dầu như thể nguồn cung dầu từ Nga không còn, dẫn đến giá tăng cao.

Trong khi đó, các công ty dầu của Mỹ vẫn đang gượng dậy từ cú sụp đổ của giá dầu hồi năm 2020, khiến hàng loạt công ty phá sản. Kể từ đó tới nay, cổ phiếu của những tập đoàn dầu mỏ lớn cũng hoạt động kém hơn thị trường nói chung.

Các công ty dầu mỏ Mỹ cũng cảnh giác với những chính sách môi trường có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trong tương lai.

Đà giảm có thể không kéo dài

Giá xăng giảm nhẹ sau khi giá dầu lao dốc mạnh. Nguyên nhân là lo ngại gián đoạn nguồn cung giảm bớt. Cùng với đó là khả năng nhu cầu toàn cầu sụt giảm vì chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt. Điều này có thể đè nặng lên giá dầu, vốn đã tăng phi mã trong những tuần qua bởi xung đột giữa Nga và Ukraine.

"Trung Quốc là một quốc gia tiêu thụ dầu lớn. Các lệnh phong tỏa của nước này sẽ làm giảm nhu cầu, từ đó tạo nên sự mất cân bằng trên thị trường", chuyên gia tài chính Craig Erlam giải thích với Zing.

Ngoài ra, theo giới quan sát, lo ngại về việc nguồn cung bị gián đoạn cũng đã giảm bớt. Nga vẫn có thể bán dầu vào thị trường. Các quốc gia như Ấn Độ muốn tăng mua dầu của Nga với giá rẻ.

Giá xăng có thể tăng phi mã nhưng đi xuống từ từ. Đà giảm cũng có khả năng không kéo dài

Ông Tom Kloza, Trưởng bộ phận Phân tích Năng lượng Toàn cầu tại Oil Price Information Analysis

Hôm 14/3, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết đang đàm phán với Nga về tăng nhập dầu, nhằm kiềm chế giá cả trong nước.

Ấn Độ hiện nhập khẩu 80% lượng dầu tiêu thụ, 3% trong số đó đến từ Nga. Cuối tuần trước, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết kim ngạch nhập khẩu dầu khí của Ấn Độ từ Nga là khoảng 1 tỷ USD.

Theo Reuters, các quan chức Ấn Độ cũng đang thảo luận với Nga về việc nhập khẩu dầu giá rẻ hơn.

Theo dữ liệu của Trading Economics, tính đến 16h15 ngày 16/3 (theo giờ Việt Nam), dầu thô WTI đang được giao dịch dưới ngưỡng 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu ở mức 98 USD/thùng, sụt giảm hơn 23% so với ngưỡng cao hôm 8/3. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm còn 102,5 USD/thùng.

"Không có gì ngạc nhiên khi đà giảm của giá dầu kéo giá xăng đi xuống", ông Tom Kloza - Trưởng bộ phận Phân tích Năng lượng Toàn cầu tại Oil Price Information Analysis nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Kloza, giá xăng có thể tăng phi mã nhưng đi xuống từ từ. Đà giảm cũng có khả năng không kéo dài.

Nhu cầu xăng tại Mỹ có thể tăng lên, nối tiếp mức tăng kỷ lục trong năm ngoái, nhất là khi nhiều người lao động Mỹ trở lại văn phòng làm việc.

Theo chuyên gia Kloza, hành khách cũng sẽ di chuyển nhiều hơn vào mùa hè. Xu hướng chuyển sang xăng dùng cho mùa hè (summer-blend gas) đắt đỏ hơn nhằm chống lại khói bụi và ô nhiễm có thể đẩy giá lên tới 4,5 USD/gallon.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-xang-tai-my-quay-dau-giam-post1302943.html