Giá xăng tăng, doanh nghiệp 'đau đầu', người dân 'đau túi'

VOV.VN - Kỳ điều hành xăng dầu gần đây nhất (ngày11/5), giá xăng RON 95 lập kỷ lục khi mức bán lẻ lên gần 30.000 đồng/lít. Giá xăng tăng liên tục thời gian qua, tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.

Giá xăng tăng cao đã tác động đến tâm lý chung của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều gia đình đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày.

Chị Minh Phương sống tại Hà Nội chia sẻ: "Nơi làm việc của hai vợ chồng tôi đều rất xa nhà, nên bình thường chi phí đi lại cũng khá tốn kém, giá xăng tăng, giờ gần 30.000 đồng/lít khiến gia đình thêm chi phí sinh hoạt, trong khi đồng lương vẫn vậy, các khoản chi tiêu khác như lương thực, thực phẩm chắc chắn bị ảnh hưởng. Để đảm bảo cuộc sống, gia đình tôi đã phải thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt hằng ngày, chi tiêu của gia đình sẽ phải thắt chặt hơn nữa. Tôi nghĩ cần hỗ trợ để làm sao giá xăng dầu không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân".

Do dịch bệnh, kinh tế đã bị ảnh hưởng nay lại phải đối mặt với khó khăn do giá xăng tăng cao khiến anh Nguyễn Văn Ga, lái xe công nghệ càng thêm lo lắng: "Khi chạy xe như thế này thì với mức thu nhập hiện tại, cộng với xăng tăng sẽ ảnh hưởng rất nhiều".

Giá xăng tăng cao đã tác động đến tâm lý chung của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Giá xăng tăng cao đã tác động đến tâm lý chung của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Với sức ép từ giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng, một số doanh nghiệp tính toán đến việc tăng giá bán sản phẩm nhưng cũng có doanh nghiệp cố gắng kiềm chế giá bán để kích cầu tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết: "Giá xăng tăng, giá thức ăn tăng, doanh nghiệp cũng phần nào bị ảnh hưởng, chi phí phải chịu ảnh hưởng, khó khăn rồi nhưng mình cũng phải cố gắng, làm sao cho tốt bằng mọi biện pháp để thắt chặt, không để giá xăng tác động quá lớn đến doanh nghiệp".

Dù đang chịu áp lực từ giá xăng tăng cao, các hệ thống bán lẻ cũng đang xoay xở, triển khai nhiều giải pháp nhằm cố gắng kiềm chế và giữ giá bình ổn để người tiêu dùng mua hàng với giá tốt nhất có thể. Đại diện một số hệ thống khẳng định, sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến xảy ra. Doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã thiết lập những mối liên kết để cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc Khối Kinh doanh thương mại và Bán lẻ, Tập đoàn BRG chia sẻ: "Chúng tôi cũng thay đổi chiến lược, tiếp cận trực tiếp đến với các nhà sản xuất, điều đó giúp cho chúng tôi có thể kiểm soát tốt hơn về chất lượng hàng hóa qua những hướng dẫn, qua những bộ tiêu chuẩn đưa đến các nhà sản xuất, các hộ nông dân, các hợp tác xã ngoài ra thì chúng tôi cũng sẽ chủ động được nguồn hàng cung cấp cho các hệ thống siêu thị phân phối bán lẻ và đặc biệt là sẽ tiết kiệm được những chi phí trung gian và điều đó sẽ góp phần cho việc là giảm giá bán và thu hút khách hàng đến với mình nhiều hơn".

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng tăng mạnh phiên ngày 11/5 có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, thị trường xăng dầu thế giới tuần qua có nhiều biến động lớn. Việc Liên minh châu Âu đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của Liên minh châu Âu đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Các yếu tố này đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng cao./.

Bá Toàn/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gia-xang-tang-doanh-nghiep-dau-dau-nguoi-dan-dau-tui-post943492.vov