Giá xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít, dầu giảm nhẹ

Từ 15h ngày 11/11, xăng E5 RON 92 tăng 840 đồng/lít, RON 95 tăng 1.110 đồng/lít. Hiện, giá mặt hàng này đã lên mức 22.700-24.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh giảm nhẹ.

Chiều 11/11, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 840 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 1.110 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.710 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.860 đồng/lít.

Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu tăng giảm trái chiều. Cụ thể, giá dầu diesel được điều chỉnh về 24.980 đồng một lít, giảm 90 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.740 đồng/lít, tăng 960 đồng, dầu mazut tăng 680 đồng, có giá mới là 14.760 đồng/kg.

Cũng trong kỳ điều hành này, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ tăng thêm 290-560 đồng với xăng và 160-660 đồng/lít dầu, tùy loại. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng chi phí trên sẽ làm tăng giá cơ sở xăng E5 RON 92 và dầu diesel gần 50 đồng/lít; xăng RON 95 gần 150 đồng và dầu hỏa trên 720 đồng/lít.

Giá xăng lên sát 24.000 đồng/lít. Ảnh BCT.

Tính đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 30 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 22.500-24.000 đồng/lít, tương đương thời điểm cuối tháng 12/2021.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 1/11, Petrolimex dương 1.265 tỷ đồng, PVOil âm 736 tỷ đồng, Saigon Petro 264 tỷ đồng, Petimex là 323 tỷ đồng...

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương trình nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu trong tháng 11

Trước đó, tại Nghị quyết 143/NQ-CP ban hành trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2022.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí bảo hiểm, chi phí kinh doanh định mức…) cho phù hợp và sát với tình hình thực tế; xác định cơ sở pháp lý và thẩm quyền để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (nếu có).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gia-xang-tang-hon-1000-donglit-dau-giam-nhe.html