Giá xăng tăng hơn 600 đồng/lít, dầu diesel giảm mạnh gần 1.000 đồng/lít

Trái với dự báo giảm nhẹ, từ 15h30 ngày 13/2, xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 620 đồng/lít. Đáng chú ý, mặt hàng dầu diesel lại giảm mạnh 960 đồng/lít.

Giá xăng. Ảnh: Quách Sơn.

Giá xăng. Ảnh: Quách Sơn.

Theo lịch, ngày 11/2 là ngày điều chỉnh giá xăng dầu nhưng lại rơi vào thứ 7 là ngày nghỉ nên được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo là thứ 2 (13/2).

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice vào sáng ngày 12/2, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 86,39 USD/thùng, tăng 1,89 USD, tương đương 2,24% so với phiên liền trước; giá dầu WTI giao dịch ở mức 79,72 USD/thùng, tăng 1,6 USD, tương đương 2,21% so với phiên liền trước. Tính chung cả tuần, dầu WTI tăng hơn 8,1%, dầu Brent tăng hơn 8,6%.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 9/2 với RON 92 ở mức 98,3 USD/thùng, RON 95 là 101,6 USD/thùng, còn giá dầu diesel 106,4 USD/thùng.

Mức giá này tương đương bình quân giá thành phẩm xăng thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/1 đến ngày 30/1 (mức 8,5 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 và 102,269 USD/thùng xăng RON95).

Do đó, trái với dự báo là giảm nhẹ, tại kỳ điều hành ngày 13/2, cơ quan quản lý quyết định tăng 540 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92 lên 22.869 đồng/lít, trong khi giá xăng RON 95 tăng 620 đồng/lít lên 23.767 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu cũng tiếp tục giảm với mức giảm mạnh hơn giá xăng. Cụ thể, dầu diesel giảm 960 đồng/lít còn 21.562 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá mới là 21.594 đồng/lít, giảm 976 đồng; dầu mazut giảm nhẹ 294 đồng xuống 13.636 đồng/kg.

Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước tiếp tục tăng. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng và 1 lần giữ nguyên.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 và RON 95, nhưng trích lập 600 đồng mỗi lít với dầu diesel.

Hiện dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 30/1, Petrolimex dương 2.167 tỷ đồng, PVOil âm 451 tỷ đồng, Saigon Petro 294 tỷ đồng, Petimex là 389 tỷ đồng...

Trong vòng gần 2 tuần trở lại đây, chiết khấu xăng dầu cho các doanh nghiệp bán lẻ được các đầu mối đẩy lên rất cao nhằm xả bớt hàng tồn kho và đề phòng việc giá bán lẻ được điều chỉnh giảm mạnh trong phiên điều hành ngày 13/2.

Hiện nay, chiết khấu xăng dầu cho các doanh nghiệp bán lẻ được các đầu mối đẩy lên cao mức 1.000-2.400 đồng/lít. Trong ngày 13/2, chiết khấu dầu DO ở các kho Hoàng Huy, Petec, Cái Lân lên mức 2.300 đồng/lít; xăng RON 95 ở các kho Diêm Điền, Mipec, Đình Vũ, Hoàng Huy ở mức 1.100 đồng/lít...

Trong dự thảo mới nhất về sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành xuống 7 ngày, vào thứ năm hàng tuần không kể ngày lễ.

Về mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị không quy định về mức này để doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu thị trường.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu, Nhà nước tiếp tục điều hành giá thì cần quy định chiết khấu tối thiểu.

Theo đó, VCCI đề xuất điều chỉnh quy định theo hướng như sau: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gia-xang-tang-hon-600-donglit-dau-diesel-giam-manh-gan-1000-donglit-post17655.html