Giá xăng tăng phi mã gây áp lực lớn cho doanh nghiệp vận tải

Khi những khó khăn do đại dịch Covid-19 chưa qua thì ngành vận tải lại phải đối mặt với thách thức lớn đến từ việc giá xăng dầu tiếp tục leo thang.

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ 15h chiều 21/2, giá xăng trong nước đồng loạt tăng 960 đồng/lít, lên mức 25.530 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 26.280 đồng với xăng RON 95. Giá bán đối với mặt hàng dầu hỏa là 19.500 đồng/lít, tăng 750 đồng; dầu diesel là 20.800 đồng/lít, tăng 940 đồng; dầu madut là 17.930 đồng/kg, tăng 280 đồng.

Với mức giá xăng dầu cao ngất ngưỡng, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là doanh nghiệp vận tải “khó chồng khó” khi chưa kịp khôi phục lại hết công suất hoạt động do dịch bệnh Covid-19 nay lại phải đau đầu ứng phó với bài toán xăng tăng. Đây thực sự là một áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng dầu leo thang

Ông Trần Đức Phú - Giám đốc Công ty Vận tải An Trường Thịnh (tỉnh Nghệ An) cho biết: "Công ty chúng tôi có hơn chục đầu xe chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Nghệ An - Đà Nẵng. Hơn 2 năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên công ty đã gặp rất nhiều khó khăn về nguồn hàng, giá cước cũng như chi phí phòng chống dịch bệnh. Trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục thì đầu năm 2022, giá xăng dầu lại tăng cao kỷ lục nên chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến hàng tăng lên hàng triệu đồng. Hiện tại công ty phải cắt giảm nhân sự (lái xe), giảm nhận hàng để tính toán lại doanh thu".

"Tới đây, nếu giá xăng dầu không có dấu hiệu hạ nhiệt, doanh nghiệp vận tải hàng hóa dự kiến cũng sẽ phải tăng chi phí vận chuyển để bù vào chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, việc tăng giá cước vận chuyển cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa thì ít mà nhà xe thì nhiều. Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, sự cạnh tranh hàng hóa diễn ra rất khốc liệt. Cước xe dù có thấp nhưng nếu mình muốn tăng giá hay kì kèo sẽ bị nhà xe khác hớt tay trên", ông Phú cho biết thêm.

Mỗi chuyến hàng doanh nghiệp phải bù thêm chi phí do xăng tăng giá

Trước những khó khăn đó, ông Lương Kim Hải (nhà xe Sao Nghệ) cũng đau đầu vì bài toán xăng tăng. "Trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản. Giờ chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe lúc này cũng chẳng ai mua".

"Trên thực tế, chi phí xăng dầu chiếm 30 - 40% phí vận chuyển vì vậy việc giá xăng, dầu leo thang kéo theo nhiều chi phí khác cũng tăng theo khiến doanh nghiệp chật vật. Nếu xăng, dầu tiếp tục tăng sốc, doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh cước vận chuyển tương ứng. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi khách đi xe giờ rất ít. Điều quan trọng nhất là việc điều chỉnh cũng phải thông qua nhiều ban ngành cũng như cần hết sức khéo léo, thận trọng nếu không rất dễ mất khách hàng", ông Hải chia sẻ.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Nhà nước có thể có chính sách tạm thời, điều chỉnh giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng dầu để giúp doanh nghiệp vận tải bớt áp lực. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề xăng dầu, một “nút thắt” nữa được đặt ra với thời điểm này là thời gian của các kỳ điều hành giá xăng dầu. Theo Nghị định 95, mặc dù thời gian này đã được rút ngắn xuống còn 10 ngày (thay vì 15 ngày như trước đây) song nhiều doanh nghiệp kiến nghị đó vẫn là khoảng thời gian dài, chưa theo kịp với so với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Hồ Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/gia-xang-tang-phi-ma-gay-ap-luc-lon-cho-doanh-nghiep-van-tai-64490.html