'GIẶC LỬA' CÓ Ở MỖI NHÀ...

Những ngày vừa qua ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn tại các gia đình, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Đêm mồng 3, rạng mồng 4-4, vụ cháy tại nhà số 311, phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột (Đống Đa, Hà Nội) làm 4 người trong gia đình thiệt mạng. Trước đó, hai vụ cháy liên tiếp ở TP Hồ Chí Minh (căn nhà trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức và căn nhà tại hẻm 123 Cao Lỗ, phường 4, quận 8) cướp đi sinh mạng của 9 người...

Nguyên nhân dẫn tới vụ cháy tại nhà số 311, phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) bước đầu xác định do chập điện, đám cháy bùng phát dữ dội bởi trong nhà chứa nhiều hàng hóa dễ cháy, cả gia đình không thể thoát ra ngoài bởi nhà không có lối thoát hiểm. Hai vụ cháy ở TP Hồ Chí Minh cũng gây thiệt hại nặng nề về người vì căn nhà “tứ phía bít bùng”, chỉ có một lối ra-vào nhưng lửa đã chặn lối, lại bị khóa bên trong. Nhà không để lối thoát hiểm dẫn đến hậu quả khôn lường là tình huống không có cơ hội sửa sai của không ít gia đình...

Vụ hỏa hoạn tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội).Ảnh: Báo Dân trí.

Vụ hỏa hoạn tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội).Ảnh: Báo Dân trí.

Từ hậu quả đau lòng và nguyên nhân các vụ cháy, một lần nữa rung lên hồi chuông báo động về “giặc lửa”. Làm thế nào để không còn những vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra? Làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại khi hỏa hoạn không may ập đến? Chắc chắn cần các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhưng việc trước mắt và lâu dài, cần làm ngay trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải từ mỗi gia đình. Khi các thành viên trong nhà đều có ý thức cảnh giác, có kiến thức về PCCC sẽ bảo đảm an toàn tổ ấm gia đình mình. “Hạt nhân” ấy được giữ vững sẽ là cơ sở bảo đảm an toàn cho khu dân cư, tổ dân phố và nhân rộng ra toàn xã hội.

Do đó, trước hết mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức về PCCC. Những người trưởng thành phải tự nghiên cứu, học tập những kiến thức, quy định về PCCC; tuyên truyền, vận động người thân tự giác thực hiện đúng quy định về PCCC. Mỗi công dân nơi cư trú qua hệ thống chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương phải đề nghị định kỳ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức PCCC cho cư dân trên địa bàn. Tất cả các nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ phải được kiểm tra, rà soát, trình báo và khắc phục kịp thời.

Những kiến thức phổ thông về PCCC mà các cơ quan chức năng khuyến cáo cần được phổ biến, tuyên truyền, trở thành “quy định” để mỗi thành viên trong gia đình đều có ý thức tự giác thực hiện, như: Nhà bếp, nơi đun nấu phải có vách ngăn chống cháy; thiết bị cung cấp nguồn đốt phải thường xuyên được kiểm tra; không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nổ ở gần nơi phát nhiệt; không để xe máy, ô tô, không dự trữ xăng dầu, khí đốt, chất dễ cháy, nổ trong nhà ở; khi sử dụng bàn là, bếp điện, máy sấy phải có người trông coi, tránh để trẻ nhỏ, người không đủ năng lực hành vi sử dụng; bố trí nơi thờ cúng với các vật dụng chống cháy; đốt vàng mã đúng nơi quy định...

Đặc biệt, phải hình thành thói quen cho mỗi thành viên trước khi ra khỏi nhà, trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Nhà phải thiết kế cửa thoát hiểm, không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp phải có cửa chốt trong, thuận tiện mở khi có tình huống. Nên sử dụng loại chốt gạt, có sẵn thiết bị phá dỡ, chuẩn bị sẵn phương án, dự kiến tình huống thoát hiểm khi xảy ra cháy. Trang bị, dụng cụ chữa cháy phải chuẩn bị sẵn và phải được hướng dẫn kỹ để sử dụng thành thạo. Khi xảy ra cháy phải báo nhanh nhất cho người xung quanh, lực lượng PCCC, đồng thời sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa hiệu quả và thoát nạn an toàn...

Nguy cơ "giặc lửa" luôn có ở mỗi nhà và đừng để gia đình mình không có cơ hội sửa sai.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giac-lua-co-o-moi-nha-656069